bẢn sẮc viỆt qua tÍnh thẨm mỸ trong nghỆ thuẬt sƠn...

20
PHẦN 2: BẢN SẮC VIỆT – ĐẶC ĐIỂM & ỨNG DỤNG | NHIỀU TÁC GIẢ n TRANG 254 BẢN SẮC VIỆT QUA TÍNH THẨM MỸ TRONG NGHỆ THUẬT SƠN MÀI ỨNG DỤNG BÌNH DƯƠNG @ TS. Nguyễn Văn Minh 1 Tóm tắt: Sơn mài Bình Dương có trên 200 năm tồn tại và phát triển, đạt được thành tựu nhất định về tính thẩm mỹ (phong cách, màu sắc, đề tài, bố cục, chất liệu, tạo hình,…), tính ứng dụng với những thế hệ nghệ nhân, họa sĩ tài hoa. Đặc biệt, sơn mài ứng dụng có nhiều đóng góp cho địa phương về kinh tế, văn hóa khi tham gia thị trường trong nước và quốc tế. Vì vậy, sơn mài Bình Dương là nét đẹp nghệ thuật truyền thống cần được bảo tồn, phát huy. Gần đây, do ảnh hưởng của kinh tế thị trường, nghề sơn mài ở Bình Dương dần mai một; không mấy tác phẩm đạt được kỹ thuật tinh xảo, kiểu dáng tinh tế. Do đó, cải tiến chất lượng, chú trọng kiểu dáng, đầu tư đào tạo nghề, tăng cường công tác quảng bá sản phẩm là việc làm cần thiết để duy trì, phát triển giá trị sơn mài ứng dụng Bình Dương. Abstract: Binh Duong’s lacquer with over 200 years of existence and development has achieved some specific achievements in styles, colors, themes, layouts, materials, shape... with many generations of talented artists, painters. Especially, applied lacquer has contributed local economy and culture when participate in domestic and international market. Thus, Binh Duong’s lacquer is a beauty of the traditional art which should be conserved and promoted. Recently, with impacts of market economy, Binh Duong’s lacquer is gradually losing their genies; only few art-works can achieve sophisticated technique and design. Therefore, quality improvement, style focus, training investment, more advertisement are necessaries to consever and develop the value of Binh Duong’s applied lacquer art. 1 Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế, trường ĐH Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh.

Upload: others

Post on 21-Oct-2020

6 views

Category:

Documents


0 download

TRANSCRIPT

  • PHẦN 2: BẢN SẮC VIỆT – ĐẶC ĐIỂM & ỨNG DỤNG | NHIỀU TÁC GIẢ

    n TRANG 254

    BẢN SẮC VIỆT QUA TÍNH THẨM MỸ TRONG NGHỆ THUẬT SƠN MÀI ỨNG DỤNG BÌNH DƯƠNG

    @ TS. Nguyễn Văn Minh 1

    Tóm tắt:

    Sơn mài Bình Dương có trên 200 năm tồn tại và phát triển, đạt được thành tựu nhất định về tính thẩm mỹ (phong cách, màu sắc, đề tài, bố cục, chất liệu, tạo hình,…), tính ứng dụng với những thế hệ nghệ nhân, họa sĩ tài hoa. Đặc biệt, sơn mài ứng dụng có nhiều đóng góp cho địa phương về kinh tế, văn hóa khi tham gia thị trường trong nước và quốc tế. Vì vậy, sơn mài Bình Dương là nét đẹp nghệ thuật truyền thống cần được bảo tồn, phát huy. Gần đây, do ảnh hưởng của kinh tế thị trường, nghề sơn mài ở Bình Dương dần mai một; không mấy tác phẩm đạt được kỹ thuật tinh xảo, kiểu dáng tinh tế. Do đó, cải tiến chất lượng, chú trọng kiểu dáng, đầu tư đào tạo nghề, tăng cường công tác quảng bá sản phẩm là việc làm cần thiết để duy trì, phát triển giá trị sơn mài ứng dụng Bình Dương.

    Abstract:

    Binh Duong’s lacquer with over 200 years of existence and development has achieved some specific achievements in styles, colors, themes, layouts, materials, shape... with many generations of talented artists, painters. Especially, applied lacquer has contributed local economy and culture when participate in domestic and international market. Thus, Binh Duong’s lacquer is a beauty of the traditional art which should be conserved and promoted. Recently, with impacts of market economy, Binh Duong’s lacquer is gradually losing their genies; only few art-works can achieve sophisticated technique and design. Therefore, quality improvement, style focus, training investment, more advertisement are necessaries to consever and develop the value of Binh Duong’s applied lacquer art.

    1 Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế, trường ĐH Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh.

  • MỸ THUẬT ỨNG DỤNG TRÊN ĐƯỜNG TÌM VỀ BẢN SẮC VIỆT

    TRANG 255 n

    Từ khóa:

    Sơn mài, sơn mài ứng dụng, Bình Dương (BD), nghệ nhân, họa sĩ, làng nghề, sơn ta, Tương Bình Hiệp, tính dân gian, cẩn vỏ trứng, cẩn ốc, nét vẽ, nét khắc, sơn then, sơn cầm sắc, màu đỏ, màu vàng.

    Đặt vấn đề

    Nghề sơn mài đã xuất hiện từ rất sớm (khoảng trên 2000 năm) và lưu truyền qua nhiều thế hệ ở nhiều nơi trên đất nước ta, từ Phú Thọ, Hà Nam, Hà Tây, Nam Định đến Quảng Bình, Thuận Hóa… và đặc biệt là Bình Dương (BD), nơi tập trung nhiều làng nghề sơn mài ở phía Nam. Với bề dày truyền thống và lịch sử phát triển gần 300 năm, nghề sơn mài ở đất BD đã tồn tại và lưu truyền từ đời này qua đời khác bằng bàn tay, khối óc và tâm huyết của biết bao thế hệ, ghi dấu ấn sâu sắc trong lịch sử phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương. Chính ngành nghề truyền thống này đã tạo ra một lớp người, những thế hệ họa sĩ, nghệ nhân gắn bó, kiên trì với sáng tạo nghệ thuật qua nhiều giai đoạn lịch sử và đem lại cái đẹp tinh tế đầy mỹ cảm đến với mọi người qua các tác phẩm phong phú, đa dạng, đặc trưng, xứng đáng được ghi nhớ, tôn vinh. Sơn mài ứng dụng BD không chỉ là niềm tự hào của một làng nghề mà còn là di sản văn hóa đáng trân trọng của dân tộc.

    Tuy nhiên, lối sống đô thị, hiện đại đang nhanh chóng làm mất đi ý thức tiêu dùng những sản phẩm truyền thống, mất đi vị trí quan trọng của sản phẩm truyền thống trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Sơn mài ứng dụng BD vừa có cơ hội phát triển, nhưng đồng thời cũng có những khó khăn, thách thức phải vượt qua. Hiện nay nghề sơn mài đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như: một số hộ bỏ nghề vì thiếu vốn đầu tư lâu dài, một số hộ hoạt động riêng lẻ, các nghệ nhân hoạt động độc lập, mỗi nghệ nhân có một món nghề và chỉ lưu truyền theo hình thức cha truyền con nối. Số cơ sở làm sơn mài hoàn toàn bằng chất liệu sơn ta không còn nhiều, đa số đã chuyển sang làm hàng bằng các chất liệu sơn Nhật, sơn công nghiệp, sơn điều...

    Để gìn giữ, lưu truyền và phát triển nghề sơn mài BD trong xu thế hội nhập hiện nay, rất cần có những công trình của các nhà khoa học có chuyên

  • PHẦN 2: BẢN SẮC VIỆT – ĐẶC ĐIỂM & ỨNG DỤNG | NHIỀU TÁC GIẢ

    n TRANG 256

    môn và tâm huyết nghiên cứu toàn diện và sâu sắc về nghề truyền thống này. Việc tìm hiểu những giá trị thẩm mỹ của nghệ thuật sơn mài ứng dụng BD không chỉ giúp chúng ta nâng cao hơn nữa ý thức giữ gìn, trân trọng nghề sơn mài truyền thống, rút ra những bài học hữu ích cho việc bảo tồn và phát triển một bộ phận di sản văn hóa mang bản sắc dân tộc mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội: tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, xuất khẩu và phát triển du lịch, hội nhập quốc tế.

    Giải quyết vấn đề

    Tính thẩm mỹ trong nghệ thuật sơn mài ứng dụng1 BD không chỉ là cái đẹp của tạo hình, của quy trình chế tác, của chất liệu và nghệ thuật thể hiện mà còn là những nét đẹp về văn hóa và nghệ thuật. Chính những yếu tố này đã làm nên đặc trưng mang tính truyền thống và đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư.

    1 Cho đến nay, thuật ngữ “ứng dụng” đã được sử dụng rộng rãi và bao quát cho nhiều loại hình mỹ thuật như: “mỹ thuật sản phẩm”, “mỹ thuật môi trường”, “mỹ thuật sân khấu – điện ảnh”, “mỹ thuật công nghiệp”, hay “mỹ thuật ứng dụng”… Trong bài viết, khái niệm “sơn mài ứng dụng” là loại hình sơn mài sử dụng các phương tiện tạo hình để sáng tạo nên thế giới đồ vật mang tính thẩm mỹ và công năng. Nó là sản phẩm được hình thành qua một quá trình sáng tác mỹ thuật và được thể hiện bởi quy trình công nghệ nhất định, vừa mang tính thực dụng, phục vụ nhu cầu đời sống vật chất của con người, đồng thời vừa mang tính chất thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần. Sơn mài ứng dụng ngày nay bao gồm các sản phẩm đồ sơn dân gian, sơn mài mỹ nghệ, có phương thức chế tác cả thủ công, công nghiệp và có hình thức mỹ thuật mang yếu tố thẩm mỹ của thời đại thông qua sự chi phối của các ngành design.

    Cụm từ “design” ở VN được hiểu là “mỹ thuật công nghiệp”, “thiết kế tạo dáng công nghiệp” hay “mỹ thuật ứng dụng”. Thuật ngữ này xuất hiện tại Việt Nam khoảng thập niên 1960, bắt nguồn từ “Industrielle Formgestaltung” trong tiếng Đức khi các giáo sư trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Halle (Die Hochschule für Industrielle Formgestaltung – Halle) sang trường Mỹ nghệ Hà Nội (nay là trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp) trao đổi học thuật và đã được dịch thành “mỹ thuật công nghiệp”. Từ đó, mỹ thuật công nghiệp trở thành thuật ngữ của ngành và trở nên thông dụng, quen thuộc.

    Ngày nay do phát triển phong phú về đề tài, với nhiều chất liệu của cốt, nền như: gỗ, đồng, nhựa, đất, đá, thủy tinh, tre nứa, giấy, quả bầu, v.v… có kích thước khác nhau nên sơn mài mỹ nghệ được thể hiện với nhiều gam màu, hòa sắc, thậm chí chuyển sắc độ sáng tối để diễn đạt không gian, tôn vẻ đẹp riêng cho từng chủng loại sản phẩm, phục vụ mọi thị hiếu người tiêu dùng. Khi nền công nghiệp phát triển, những sản phẩm trang trí này được làm bằng máy móc, giống nhau hàng loạt, nên đôi lúc còn gọi là sơn mài kỹ nghệ. Do đó, ở góc độ nhìn chung cho các sản phẩm sơn mài mỹ nghệ ngày nay, chúng ta cũng có thể hiểu và tạm gọi qua thuật ngữ “sơn mài ứng dụng”.

  • MỸ THUẬT ỨNG DỤNG TRÊN ĐƯỜNG TÌM VỀ BẢN SẮC VIỆT

    TRANG 257 n

    1. Giá trị văn hóa

    Làng nghề sơn mài BD với các doanh nghiệp, các cơ sở sơn mài chính là môi trường văn hóa – kinh tế – xã hội và kỹ nghệ truyền thống, là nơi bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật từ đời này sang đời khác, góp phần đào tạo các thế hệ nghệ nhân, họa sĩ tài năng. Qua các sản phẩm của làng nghề, ta thấy được sự gửi gắm cả tâm hồn, tài năng, khiếu thẩm mỹ, tinh thần lao động và niềm đam mê nghệ thuật của các nghệ nhân, họa sĩ. Mặt khác, những giá trị văn hóa trong mỹ thuật sơn mài BD hôm nay là cả quá trình trải nghiệm, đúc kết qua bao thăng trầm và thử thách. Đó còn là những tính cách đặc trưng trong làng nghề, như: tính cộng đồng, tính cội nguồn, tính khéo léo và sự nỗ lực, cần cù của những nghệ nhân, họa sĩ, thợ sơn mài.

    Khi nghề sơn mài xuất hiện ở vùng đất Thủ Dầu Một thì tính cộng đồng của nghề cũng đã hình thành. Tính cộng đồng đó được biểu hiện qua sự quần cư của người thợ để tạo thành xóm nghề, làng nghề. Trong mỗi xóm nghề, làng nghề, người dân làm chung một nghề và chính tên gọi của nghề đã trở thành địa danh để chỉ nơi xóm nghề, làng nghề. Nói đến sơn mài BD, người ta nghĩ ngay đến làng Tương Bình Hiệp, nói đến Tương Bình Hiệp là nghĩ đến làng nghề sơn mài…

    Tính cội nguồn được lưu truyền qua các câu ca dao, tục ngữ “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là một trong những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trong các làng nghề sơn mài, tính cội nguồn được thể hiện qua sự tôn trọng, nhớ ơn tổ nghề và việc thờ cúng tổ nghề trong cộng đồng làng nghề cũng như trong từng hộ nghề. Mặc dù ở mỗi địa phương, bên cạnh tổ chung còn có những tổ của làng và ngày cúng tổ cũng không giống nhau, nhưng nhìn chung, thờ tổ và cúng tổ có ý nghĩa tôn kính và biết ơn những bậc khai nghề1.

    Sự khéo của người thợ, nghệ nhân hay họa sĩ BD thể hiện qua những sự cần cù, chịu thương chịu khó, tìm tòi học hỏi và đặc biệt là lòng yêu nghề. Họ có đôi bàn tay tài hoa và cái tâm của người làm nghề đã cho ra đời những tác phẩm và sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

    1 Ở BD, nhiều thế hệ đến làng Tương Bình Hiệp định cư, làm nghề và truyền nghề sơn. Tổ nghề ở đây không rõ ai, nhưng người làm nghề chọn hai ngày: ngày 13 tháng 6 và ngày 20 tháng Chạp (Âm lịch) trong năm để cúng tổ và cùng tưởng nhớ đến thế hệ cha ông đã tạo dựng và truyền lại nghề cho con cháu và các thế hệ sau này.

  • PHẦN 2: BẢN SẮC VIỆT – ĐẶC ĐIỂM & ỨNG DỤNG | NHIỀU TÁC GIẢ

    n TRANG 258

    Những sản phẩm sơn mài ứng dụng BD thể hiện sự ứng xử của con người trước nguyên liệu, trước thiên nhiên. Việc sáng tạo các giá trị văn hóa vật chất, hay nói cách khác là lao động làm ra cái duy trì cuộc sống, là nét đặc trưng cơ bản nhất cấu thành văn hóa vật chất của làng nghề truyền thống.

    2. Giá trị nghệ thuật

    Nghệ thuật sơn mài ứng dụng BD được hình thành trên nền tảng nghề sơn truyền thống Việt Nam, quá trình lịch sử các làng nghề BD mặc dù không lâu đời như các làng nghề ở miền Bắc nhưng nếu tính từ đầu thế kỷ XVIII, khi đã có sự hiện diện của những thợ sơn di cư đến làng Tương Bình Hiệp sinh sống thì trong nó đã chứa đựng cả những yếu tố là làng chuyển hóa từ một tài khéo có sẵn – là yếu tố nội sinh – diễn tiến lên và chuyên sâu do sự kích thích của nội đô theo quy luật hội tụ và kết tinh tài hoa bốn phương – là yếu tố ngoại sinh. Trong quá trình phát triển nghề sơn mài, hai yếu tố này luôn chuyển hóa và tác động nhau, góp phần thúc đẩy làm nên sự đa dạng phong phú, tính thẩm mỹ của sơn mài BD.

    Về phong cách trang trí

    Đặc điểm nổi bật của nghệ thuật thể hiện sơn mài BD là phong cách trang trí mang đậm tính dân gian. Từ buổi đầu hình thành làng nghề, những người thợ sơn “chân lấm tay bùn”, ngoài những công việc ruộng vườn, lúc nông nhàn họ rủ nhau làm nghề và dạy nghề cho vui, để trao đổi sản vật… Chính vì vậy mà các thành phần trong làng, từ người già đến trẻ em đều có thể tham gia làm ra mọi đồ vật theo ý thích riêng của từng người. Không khí ấy đã được Trịnh Hoài Đức mô tả: “…Đến cách làng một khoảng xa, người ta nghe thấy tiếng đục đẽo lốc cốc thật vui tai. Họ cưa gỗ, ván ra làm thành từng miếng nhỏ hoặc gọt thành hình tròn, hình vuông đủ các cỡ, xong rồi phết lên đó một thứ sơn đặc có màu đen óng ánh, ngộ nghĩnh trông thật thích mắt”1.

    Tính dân gian không những bộc lộ qua phong cách tạo hình đơn giản, mang tính khái quát và gần gũi với cuộc sống, qua khả năng diễn tả thật

    1 Dẫn lại theo Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương (1998), Mỹ thuật Bình Dương xưa và nay, Công trình nghiên cứu chào mừng kỷ niệm 300 năm Thủ Dầu Một - Bình Dương.

  • MỸ THUẬT ỨNG DỤNG TRÊN ĐƯỜNG TÌM VỀ BẢN SẮC VIỆT

    TRANG 259 n

    hồn nhiên, chân thật mà còn ở ngay trong tư tưởng, tình cảm, xúc cảm thẩm mỹ của người sáng tác. Vốn xuất thân từ những người thợ nông dân nên phần lớn nghệ nhân sơn mài luôn bị lôi cuốn, hấp dẫn bởi hiện thực thẩm mỹ sinh động của thiên nhiên và đời sống, sinh hoạt của con người nơi thôn dã. Họ đã cảm tác trước hết cho riêng mình trước những cảnh đẹp, sau đó mới chia sẻ với người thân và cộng đồng qua những sản phẩm trang trí trong nhà.

    Ngoài chức năng là một thú tiêu khiển lúc nông nhàn, nghề sơn mài còn đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhiều cộng đồng người sinh sống trên đất BD. Xuất phát từ việc xây dựng các công trình kiến trúc công cộng: đình, chùa, đền, miếu, chợ…, sơn mài đã hiện diện như là một thành tố không thể thiếu nhằm tôn thêm giá trị của cái đẹp hòa lẫn với tinh thần, tín ngưỡng của cộng đồng. Nghề sơn mài truyền thống trên đất BD xuất phát điểm chủ yếu là sơn mài kỹ nghệ với chức năng trang trí cho các công trình kiến trúc đình, chùa, là chất liệu chính để phủ lên các đồ gia dụng được tạo dáng và chạm khắc công phu, cẩn trọng nhằm tăng vẻ đẹp và giữ độ bền, đồng thời cũng để tạo ra bức tranh trang trí nội thất phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ rộng rãi của công chúng.

    Việc chú trọng yếu tố tạo hình, tạo dáng đã giúp cho các sản phẩm sơn mài ứng dụng BD sớm mang giá trị thẩm mỹ. Từ tâm lý thực dụng cổ truyền của người Việt xưa với các giá trị ứng dụng – thẩm mỹ vốn có trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sơn mài BD còn ẩn chứa thêm một giá trị, tham gia vào hệ giá trị văn hóa, mà ở đó giá trị ứng dụng đã xác lập một vị trí đảo ngược: thẩm mỹ – ứng dụng. Tính thẩm mỹ được đặt lên trên, không làm mất đi giá trị ứng dụng của nó, mà còn nhấn mạnh các yếu tố tạo hình cần thiết để sản phẩm tạo từ ý tưởng được hoàn thiện qua quá trình lao động và sáng tạo nghệ thuật một cách đồng bộ; cùng lúc đảm bảo về thẩm mỹ và kinh tế, chất liệu, công nghệ chế tác, kiến thức và khả năng nghề nghiệp… Nhu cầu xã hội kết hợp với cảm xúc thẩm mỹ và kinh nghiệm dân gian quy định tính ưu trội của giá trị thẩm mỹ, làm nảy sinh và đi trước một cách vừa tự nhiên theo quy luật vừa có quá trình tích tụ.

    Sản phẩm sơn mài ứng dụng BD được trang trí hoa văn, họa tiết từ phương pháp vẽ lặn (vẽ chìm) kết hợp với khắc trũng hoặc đắp nổi là chủ yếu. Đặc biệt là hình, mảng lớn được quy định bởi những mảng có hình và những

  • PHẦN 2: BẢN SẮC VIỆT – ĐẶC ĐIỂM & ỨNG DỤNG | NHIỀU TÁC GIẢ

    n TRANG 260

    mảng không có hình (trong tạo hình gọi hai yếu tố đó là hình của đối tượng – dương và hình của nền – âm). Sự hợp nhất giữa khoảng có hình và khoảng không có hình luôn là sự quan tâm hàng đầu của các nghệ nhân, họa sĩ bởi nó không những là cách kích thích người xem nhờ vào hình thức đơn giản, đối nghịch nhau, thậm chí chuyển đổi chúng ngược lại thì hiệu quả thị giác vẫn không đổi, mà còn là cách làm cho người xem ghi nhớ bởi tính độc đáo của chúng. Phong cách trang trí này là kết quả của quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật mang tính dân gian, gần gũi, đơn giản và tính trang trí, tỷ mỉ, rõ ràng… hình thành qua các thế hệ làm nghề. Thực tế sáng tạo ở từng thời điểm, dù hai yếu tố hình trên có những biến đổi và hình thức thể hiện khác nhau nhưng những sản phẩm sơn mài ứng dụng BD luôn có một sự hòa hợp nào đó để chúng trở thành một thể thống nhất.

    Theo các nghệ nhân, có ba thủ pháp hợp nhất hình đối tượng và hình nền, đó là: độ tối, đậm tương phản với nền nhạt, sáng hơn hay ngược lại; tối sáng xen kẽ khi diễn tả vùng tiếp giáp giữa hình và nền; độ đậm nhạt và trung bình có mặt trong cả hình và nền. Ba thủ pháp này tùy theo bố cục, đề tài, màu sắc và kỹ thuật sử dụng mà có cách xử lý phù hợp với nhau để tạo hiệu quả “liền mạch” một cách hài hòa và tự nhiên cho hai mảng đối lập hình và nền đó.

    Các trang trí trên sản phẩm sơn mài BD thường được bắt đầu bằng các mảng hoa văn, họa tiết được cách điệu thành những đồ án mẫu, sau đó áp dụng các hình thức thể hiện màu hay cẩn vỏ trứng, vỏ ốc như tranh sơn mài hoặc khắc trũng rồi tô màu như sơn khắc. Trường hợp đắp nổi có thể đắp sơn trộn bột đất hay gắn ốc các loại, khi khô vẽ lên bề mặt đắp nổi hoặc tách nét trên mặt ốc. Có nhiều đồ án trang trí cho các chủng loại, kích thước và đề tài khác nhau nhưng về nội dung thì có hai dạng chính, đó là đồ án trang trí hình học được kết hợp từ những hình kỷ hà và hình đơn giản từ chữ “song hỷ” của Trung Quốc, được dùng phổ biến trên trang trí bình (hình 1), tủ, bàn, bình phong… Dạng thứ hai là đồ án trang trí hình tượng thiên nhiên được cách điệu từ các loại hoa lá, động vật, côn trùng… được sử dụng nhiều trên trang trí bình soa, đĩa soa và tranh trang trí khắc trũng… Các dạng đồ án này được tạo hình riêng lẻ, tùy theo yêu cầu trang trí mà các nghệ nhân sẽ đưa nó vào một hình cụ thể hoặc nối tiếp nhau lặp đi lặp lại thành đường diềm (hình 2).

  • MỸ THUẬT ỨNG DỤNG TRÊN ĐƯỜNG TÌM VỀ BẢN SẮC VIỆT

    TRANG 261 n

    Một yếu tố khác đã góp phần định hình nghệ thuật thể hiện của sơn mài BD là việc sử dụng nét trong trang trí. Nét làm tăng độ chi tiết của hình, cho người thưởng thức cảm giác sản phẩm được trang trí rất công phu, tinh tế, mặc dù trên thực tế những nghệ nhân vẽ rất nhanh. Nét trong trang trí còn được coi là loại đường viền để giữ hình, mảng nhưng đồng thời cũng để diễn tả không gian bằng những nét to nhỏ, cao thấp, những nét liên tục, nét uốn lượn hoặc đứt quãng khá phong phú. Song việc sử dụng nét để tạo mảng trang trí có khác nhau, bao gồm cả nét vẽ và nét khắc.

    Các mảng hoa văn, họa tiết được tạo từ nét qua thủ pháp khắc trũng hoặc vẽ lặn đã làm tăng sự đối lập của nó với các mảng được để trơn, làm chúng tôn nhau, đặc biệt là trong các sản phẩm bình (hình 3). Các loại bình soa đôi khi được trang trí bằng nét tạo mảng trên nền vỏ trứng phủ kín toàn bộ sản phẩm, và sự ẩn hiện của nét đậm hoặc nét sáng từ sự chồng lên nhau với màu sáng của vỏ trứng, dù là dùng một màu vẫn cho vẻ đẹp nhẹ nhàng, giản dị mà

    Hình 1: Bình trang trí đồ án hình học. (Sưu tập của doanh nghiệp Định Hòa) (Ảnh chụp của tác giả)

    Hình 2: Đĩa soa trang trí đồ án thiên nhiên. (Sưu tập của doanh nghiệp Định Hòa)(Ảnh chụp của tác giả)

  • PHẦN 2: BẢN SẮC VIỆT – ĐẶC ĐIỂM & ỨNG DỤNG | NHIỀU TÁC GIẢ

    n TRANG 262

    không bị trơ (hình 4). Trên thực tế, nhiều sản phẩm sơn mài BD chỉ sử dụng nét, mảng và một phông màu đã tạo được phong cách riêng như tranh vẽ lắc (hình 5), tranh trang trí khắc trũng hoặc tủ (hình 6), bàn ghế…

    Hình 3: Bình trang trí khắc trũng.(Sưu tập của doanh nghiệp Định Hòa) (Ảnh chụp của tác giả)

    Hình 4: Bình soa cẩn vỏ trứng.(Sưu tập của doanh nghiệp Định Hòa) (Ảnh chụp của tác giả)

    Hình 5: Tranh Tôm của Nguyễn Hữu Sang. (Ảnh chụp của tác giả)

    Hình 6: Tủ trang trí tre của Nguyễn Văn Tuyền. (Ảnh TLTK 2)

  • MỸ THUẬT ỨNG DỤNG TRÊN ĐƯỜNG TÌM VỀ BẢN SẮC VIỆT

    TRANG 263 n

    Về nội dung, đề tài

    Sự đa dạng, phong phú của nội dung, đề tài, ngoài yếu tố trang trí cho các sản phẩm, còn mang ý nghĩa nhất định, đặc biệt là những hoa văn, họa tiết đã được cách điệu cao, có tính ước lệ, tượng trưng cho một ý nghĩa nào đó phổ biến trong nhân dân. Họa tiết miêu tả thiên nhiên, cuộc sống hay minh họa cho một truyền thuyết, một điểm tích, một câu chuyện nào đó…

    Tổng hợp trên nhiều sản phẩm sơn mài ứng dụng BD ở nhiều thời điểm khác nhau, gần như có đầy đủ các loại đồ án trang trí phổ biến trong nghệ thuật cổ Việt Nam, như tứ linh: Long (Rồng) – Ly (Lân) – Quy (Rùa) – Phụng (Phượng), mỗi con là một biểu hiện, mang ý nghĩa tượng trưng riêng. Rồng tượng trưng cho đức; Lân tượng trưng cho yên bình; Rùa tượng trưng cho sự bền vững; còn Phụng tượng trưng cho vẻ đẹp của người phụ nữ. Mỗi con vật đó lại được thể hiện cụ thể hơn như Long phụng (hòa duyên), Lưỡng long tranh châu, Song phụng... với nhiều dạng bố cục khác nhau. Ngoài ra, còn có những con vật khác như: Ngư (cá chép, cá vàng), Hạc, Hổ, Ngựa... rất phổ biến trong nghệ thuật trang trí với ý nghĩa: Cá chép, cá vàng là biểu

    hiện của sự phồn thịnh, giàu có; Hạc là biểu hiện của sự thanh cao; Hổ là sức mạnh; Ngựa là thành công...

    Hiện diện cùng những đồ án có tính chất tín ngưỡng kể trên, sơn mài BD còn sử dụng các hoa văn, họa tiết trang trí từ thảo mộc, hoa quả và vật thường dùng trong dân gian; đã được khái quát thành hình tượng trang trí, như tứ hữu, tứ thời, bát bảo, bát tiên... Những đề tài quen thuộc như: mai, lan, cúc, trúc (hình 7); liên áp (vịt bơi bên hoa sen) (hình 8); cúc điệp (bướm và hoa); mai điểu (chim đậu cành mai); tùng hạc (hình 9) hay tùng lộc (con hạc hoặc con hươu đứng bên cây tùng)... thể hiện quan niệm tốt đẹp, vui tươi suốt bốn mùa trong năm.

    Hình 7: Mai, Lan, Cúc, Trúc(Sưu tập của doanh nghiệp Định Hòa)(Ảnh chụp của tác giả)

    Hình 8: Tứ hữu liên áp của Thái Kim Điền (Ảnh TLTK 2)

  • PHẦN 2: BẢN SẮC VIỆT – ĐẶC ĐIỂM & ỨNG DỤNG | NHIỀU TÁC GIẢ

    n TRANG 264

    Các đề tài dân gian thường xuất hiện trong các sản phẩm sơn mài ứng dụng BD đã thực sự trở thành những “mô típ” không thể thiếu cho bất kỳ thể loại, chủng loại nào, bao gồm nhiều chủ đề phản ánh phong phú và đa dạng hiện thực đời sống văn hóa, xã hội, thiên nhiên và con người Việt Nam, như tranh hổ, tranh sinh hoạt, phong tục tập quán và thiên nhiên: bái tổ vinh quy; ngư, tiều, canh, mục; làm ruộng; gặt lúa; câu cá; chèo ghe; cây đa đầu làng; mục đồng thả diều; chăn trâu; thổi sáo; bờ tre; thác nước…; những cảnh đẹp của đất nước như hồ Hoàn Kiếm, vịnh Hạ Long, kinh thành Huế, sông Hương núi Ngự, Văn miếu, cảnh đồng quê…; Các đề tài lịch sử: Hai Bà Trưng, Bác Hồ, Quảng trường Ba Đình (Hà Nội)... ; đề tài xã hội, gia đình: Mẹ con (hình 10), Thiếu nữ, Tuổi thơ, Chân dung… ; đề tài tôn giáo: Thập bát La Hán, Bát Tiên quá hải… nhằm trang trí cho các công trình kiến trúc đình, chùa, miếu.

    Về màu sắc

    Trong nghệ thuật sơn mài BD, màu sắc là một yếu tố mang nét cổ truyền sâu sắc nhất, nó rất đơn sơ, chỉ vài ba màu mộc mạc nhưng có ý nghĩa khái quát cao, phù hợp với những biểu đạt tâm lý, tôn giáo và thẩm mỹ dân gian, như màu đen, màu đỏ và màu vàng thường thấy trong các thể loại trang trí, ứng dụng và tranh mỹ nghệ. Những màu sắc biểu hiện cho sự uy nghiêm và lộng lẫy của đền, chùa, đình, miếu…; của đồ thờ; của tượng thờ. Màu đen (sơn then) cùng với quan niệm là vũ trụ bao la, sâu thẳm của không gian, mang tính âm bản nên thường được các nghệ nhân sử dụng chủ yếu vào việc làm nền vóc hoặc sơn lót để tôn những sắc đỏ hoặc vàng óng. Tuy là vai trò phụ trợ nhưng màu đen quyết định

    Hình 9: Tùng hạc. (Sưu tập của Công ty Sobexim)(Ảnh chụp của tác giả)

    Hình 10: Mẹ con.(Sưu tập của Công ty Sobexim)(Ảnh chụp của tác giả)

  • MỸ THUẬT ỨNG DỤNG TRÊN ĐƯỜNG TÌM VỀ BẢN SẮC VIỆT

    TRANG 265 n

    thành công của sản phẩm và tác phẩm, vì màu đen mang các sắc độ khác nhau do lớp màu phía dưới cộng hưởng với độ đậm trong trẻo của nó tạo ra những hiệu ứng màu đen ấm, đen lạnh hoặc phô diễn sự trong, sâu khi được phủ lên trên vàng thếp, bạc thếp hay khi làm nền cho tranh cẩn vỏ trứng, cẩn ốc… Màu đen ấy trở thành không gian mênh mông, lắng đọng nhiều cảm xúc.

    Màu đỏ, các nghệ nhân xưa cho là sinh khí để duy trì cuộc sống, gắn với quan niệm về hạnh phúc, sự phồn thịnh, no đủ... Xuất phát từ việc săn bắt thú rừng, dần dần màu này được đồng nhất với sự sống, thể hiện ước vọng tốt đẹp, nhất là với việc cầu mùa trong nghi thức của các lễ hội. Sơn đỏ lên đồ vật tạo sự trang nghiêm, thu hút sự chú ý, tôn thêm vị trí di vật giữa thế giới người và Phật. Màu đỏ trên tượng thờ biểu hiện sinh lực trường tồn, ẩn chứa sức sống và sự kiên quyết.

    Màu vàng có ý nghĩa là gốc, là màu của sự giải thoát. Khi người tu hành lấy màu vàng cHoàng lên cho mình là dụng ý nói: mọi dục vọng (tham, sân, si, ái, ố, hỉ, nộ) đã được rũ bỏ hết, không còn vương vấn bụi trần. Màu vàng được biểu hiện cho sự tôn kính, trang nghiêm, lời cầu phúc, mong ước cũng như gạt bỏ những thói hư tật xấu nơi trần tục… Theo các nghệ nhân, chỉ các tượng Phật mới được thếp vàng ở gương mặt, chứng tỏ đã tâm thanh, lòng tĩnh, siêu thoát khỏi trần ai.

    Bên cạnh ba màu cổ truyền (đen, đỏ, vàng), các nghệ nhân, họa sĩ còn tạo ra các màu sắc độc đáo qua kỹ thuật pha chế, như: màu xanh ngọc – kết quả của màu lam pha với màu lục phủ lên nền vàng dát và mài ra dần đến độ vừa ý; màu đỏ marông – kết quả của màu son chu pha với bột màu cánh sen và sơn cầm sắc… mang đặc điểm riêng cho các sản phẩm (hình 11).

    Về bố cục

    Bố cục tạo hình trên một sản phẩm sơn mài BD là một

    Hình 11: Bình soa màu marông.(Sưu tập của doanh nghiệp Định Hòa)(Ảnh chụp của tác giả)

  • PHẦN 2: BẢN SẮC VIỆT – ĐẶC ĐIỂM & ỨNG DỤNG | NHIỀU TÁC GIẢ

    n TRANG 266

    quá trình sáng tạo và chắt lọc công phu, cẩn trọng của các nghệ nhân từ giai đoạn phác thảo cho đến bản mẫu, từ bản mẫu cho đến thể hiện sản phẩm… Sau mỗi giai đoạn, sản phẩm càng được “gia công” hoàn chỉnh hơn, làm cho tính thẩm mỹ nâng cao lên dần. Tính thẩm mỹ của bố cục trang trí trên các sản phẩm sơn mài BD được thể hiện qua khả năng sắp xếp, bố trí các yếu tố tạo hình trên một sản phẩm nhất định nào đó.

    Đối với các sản phẩm như: bình, tủ, bàn, ghế, bình phong…, bố cục họa tiết trang trí thường áp dụng các dạng như trang trí bằng các đồ án đường diềm chạy ngang sản phẩm, bao gồm những họa tiết chính to hơn được đặt ở vị trí trọng tâm, ở những phần có diện tích lớn và tập trung mắt nhìn nhiều nhất. Những họa tiết nhỏ được bố trí ở những mảng phụ, bổ túc và làm tôn thêm họa tiết chính. Các họa tiết này có thể được vẽ, cẩn trứng, cẩn ốc hoặc đắp nổi. Dãy đồ án chính, nhiều khi còn là một bức tranh chạy tròn hoặc vuông hay chữ nhật theo chủng loại sản phẩm là bình mặt bàn ghế hay cánh cửa tủ, bình phong, đĩa soa… Còn các họa tiết phụ thường là hoa văn hình học hoặc diềm hoa lá kết hợp với các mảng màu.

    Một dạng khác có thể xem là biến thể của bố cục trong trang trí theo chiều dọc của sản phẩm. Tùy theo nội dung, đề tài trang trí của sản phẩm mà bố cục nhiều hay ít các ô có hình từ vuông, chữ nhật, bầu dục, tròn và các biến thể của nó ở góc. Thông thường trên các sản phẩm có từ 2 đến 4 ô và màu sắc trang trí trong các ô này bao giờ cũng đối lập với màu sắc và sắc độ trang trí trên nền. Còn lại là dạng bố cục trang trí theo lối dàn trải hoa văn, họa tiết đều khắp sản phẩm như trong trang trí vải hoa, các họa tiết được lặp lại nhưng không theo trật tự quy định một cách chính xác mà có bố cục tự do, miễn sao cho thuận mắt. Có thể thấy dạng trang trí này trên các sản phẩm như bình soa (hình 12), tủ, bàn ghế… Trên nhiều sản phẩm, đôi khi nghệ nhân kết hợp các loại bố cục kể trên và các biến thể của nó để bố cục trang trí được khác nhau, lấy bố cục và họa tiết trang trí biến đổi để tạo ảo giác thay cho sự thay đổi về hình dáng theo nguyên lý thị giác, làm phong phú kiểu dáng.

    Nhìn chung, các hình thức bố cục thì vô cùng phong phú, không có giới hạn nhưng trong quá trình lao động sáng tạo ở từng thời điểm, các nghệ nhân, họa sĩ sơn mài BD rút ra những kinh nghiệm, đúc kết thành một số quy luật và phương pháp bố cục cơ bản để vận dụng sáng tác các bức tranh với mong muốn không ngừng nâng cao tính nghệ thuật và hướng đến mục

  • MỸ THUẬT ỨNG DỤNG TRÊN ĐƯỜNG TÌM VỀ BẢN SẮC VIỆT

    TRANG 267 n

    đích có được nhiều tranh mẫu đẹp để sản xuất. Do đó, những quy luật này có tính chất động, phát triển và không mang tính máy móc cứng nhắc khi áp dụng cho từng bức tranh cụ thể.

    Bên cạnh những thành quả nghệ thuật và nét đẹp truyền thống, sơn mài ứng dụng BD còn ghi nhận vai trò của các thế hệ nghệ nhân, họa sĩ, doanh nghiệp… trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị mỹ thuật.

    Sơn mài là sự kết hợp giữa thủ công và mỹ thuật. Để tạo nên một sản phẩm sơn mài phải trải qua nhiều công đoạn; từ đó hình thành nên đội ngũ nghệ nhân giỏi về nghề sơn, nắm vững kỹ thuật làm cốt vóc và kỹ thuật pha chế sơn. Họ là những người làm việc lâu năm trong nghề nên có nhiều kinh nghiệm để sản phẩm làm ra có độ bền với thời gian, có mặt sơn bóng đẹp. Mỗi nghệ nhân có bí quyết riêng do chịu khó nghiên cứu, thử nghiệm nhiều để mang lại thành công. Ngoài kỹ thuật pha chế sơn bóng, đẹp, người nghệ nhân còn phải điêu luyện trong kỹ thuật mài tranh, đây là khâu quyết định cuối cùng cho sản phẩm tranh sơn mài, mặt tranh sau khi mài

    Hình 12: Bình soa với các kiểu bố cục trang trí theo chiều dọc.(Sưu tập của doanh nghiệp Định Hòa) (Ảnh chụp của tác giả)

  • PHẦN 2: BẢN SẮC VIỆT – ĐẶC ĐIỂM & ỨNG DỤNG | NHIỀU TÁC GIẢ

    n TRANG 268

    xong láng mịn, không bị đứt, gạch trầy, để khi đánh bóng mặt sơn bóng đẹp, sâu, hấp dẫn người xem. Đặc trưng của các nghệ nhân sơn mài BD là biết kết hợp giữa hai loại sơn Phú Thọ và Nam Vang theo tỷ lệ nhất định. Vì vậy sơn then (đen) BD nổi tiếng trong cả nước vì độ bóng láng, sơn càng để lâu càng đẹp. Những nghệ nhân có tay nghề pha chế sơn giỏi như: Tư Hoảnh, Sáu Minh, Ba Lắm, Năm Nhương, Tám Khiêm, Ba Tường, Tư Nhiêm, Bảy Đảo, Năm Thành, Sáu Vườn Chanh, Bảy Thành, Hai Trực, Ba Cơ, Tư Phép, Mười Kẹo, Năm Siên, Năm Già, Sáu Sẹo…

    Bên cạnh những nghệ nhân có nghề sơn giỏi, còn có những nghệ nhân điêu luyện về vẽ tranh phủ mài như: Trần Văn Nam, Nguyễn Văn Thạnh, Nguyễn Hữu Sang, Trương Ngọc Lợi, Lê Văn Hậu, Nguyễn Văn Ba… Về kỹ thuật sơn mài vẽ mỏng như: Nguyễn Văn Tuyền, Nguyễn Văn Sửu, Trần Văn Đáng, Nguyễn Thị Hòa (Tám Hòa), Phạm Văn Tám (Tám Giỏi), Nguyễn Văn Hai (Hai vẽ cá), Bảy Miết… Giỏi về kỹ thuật khắc trũng như: Lương Ngọc Quý, Sáu Ốm, Tám Đôn, Trà Văn Tép… Về kỹ thuật sơn mài cẩn trứng như: Sáu Sảnh, Võ Thị Thành, Sáu Lô… Về kỹ thuật sơn mài đắp nổi như: Nguyễn Văn Tuyền, Nguyễn Hữu Sang, Sáu Hớn, Thái Kim Điền…

    Kết quả nghiên cứu và kiến nghị

    Qua tìm hiểu các giá trị của sơn mài ứng dụng BD, chúng ta có thể nhận định như sau:

    Việc phát triển các giá trị thẩm mỹ so với các giá trị thực dụng là sự thể hiện tính cạnh tranh của một môi trường phát triển giao thương, là biểu hiện trình độ mỹ cảm và sự phát triển của các tài năng. Sự phát triển ưu trội của yếu tố thẩm mỹ trong sơn mài ứng dụng BD đã tạo nên một khả năng mới, khả năng tồn tại độc lập của các giá trị thẩm mỹ, không dựa vào các giá trị thực dụng. Đó chính là sự đa dạng trong phong cách trang trí, nội dung đề tài, trong màu sắc và bố cục với nhiều hình thức thể hiện như: vẽ lắc, vẽ vàng, vẽ kết hợp cẩn ốc, cẩn trứng, cẩn vỏ dừa, cẩn tre, khắc trũng, đắp nổi…1

    1 Xem thêm: Nguyễn Văn Minh (2008), “Nét độc đáo của sơn mài Bình Dương”, Tạp chí Mỹ thuật, số 182 (2), tr. 50-54; Nguyễn Văn Minh (2008), “Nhận diện sơn mài truyền thống Việt Nam trong bối cảnh giao lưu hội nhập ngày nay”, Tạp chí Mỹ thuật, số 189 (9), tr. 59-64; Nguyễn Văn Minh (2009), “Nghề sơn mài ở Bình Dương”, Tạp chí Di sản Văn hóa, số 4 (29), tr. 57-60.

  • MỸ THUẬT ỨNG DỤNG TRÊN ĐƯỜNG TÌM VỀ BẢN SẮC VIỆT

    TRANG 269 n

    Giá trị nghệ thuật của sơn mài ứng dụng BD đã tạo được ấn tượng cho người xem qua hai dạng sáng tác sau:

    - Những nghệ nhân, họa sĩ nổi tiếng, nhiều kinh nghiệm, đóng góp những tác phẩm đơn chiếc, hoàn toàn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Trong số đó, đáng kể có tác phẩm của các nghệ nhân, họa sĩ: Ngô Từ Sâm, Thái Văn Ngôn, Trần Văn Khiêm (Tám Khiêm) (hình 13), Châu Văn Tưng (Bảy Tèo), Nguyễn Hữu Sang...

    - Dạng thứ hai là các tác phẩm sơn mài ứng dụng có thể đưa vào sản xuất hàng loạt. Những tác phẩm này lúc đầu là mẫu nghệ thuật (hình 14) nhưng do chứa đựng tính thực dụng cao nên có thể đưa vào sản xuất các đồ dùng và đồ trang trí vừa làm hàng xuất khẩu, vừa phục vụ cho nhu cầu trong nước (hình 15).

    Bảo tồn nghệ thuật sơn mài ứng dụng BD trong xu thế hội nhập cũng là giữ gìn giá trị nghệ thuật của nó – giá trị mà ngày nay vẫn còn tồn tại cho dù có nhiều biến thể. Đó chính là giữ được cái hồn, tinh thần của cha anh để lại trong cách nhìn nhận cuộc sống và xây dựng hình tượng nghệ thuật. Mặt khác, trong nền kinh tế thị trường, sơn mài ứng dụng BD không thể tách rời quỹ đạo sản xuất thông qua hoạt động kinh doanh, luôn phải song hành hai giá trị: nghệ thuật và ứng dụng như nó hiện có. Trong đó, chú trọng việc sử dụng sơn ta và nghệ thuật thể hiện.

    Cần lập một bảo tàng để sưu tầm, bảo tồn và trưng bày, giới thiệu các tác phẩm sơn mài BD qua tiến trình lịch sử mấy trăm năm tồn tại và phát triển. Giới thiệu quy trình thực hiện một tác phẩm và sản phẩm, chất liệu sơn ta truyền thống, nghệ thuật thể hiện qua các kỹ thuật, phong cách và đề tài trang trí, tên tuổi của các thế hệ nghệ nhân dân gian, các họa sĩ có tay nghề cao qua các thời kỳ. Bảo tàng là gia tài vô giá cho hôm nay và mai sau, là niềm tự hào, là sức mạnh, là động lực để các thế hệ tiếp tục phát triển nghề sơn mài truyền thống.

    Hình 13: Đĩa soa cẩn ốc, đường kính 120cm của Trần Văn Khiêm (Huy chương vàng Hội chợ triển lãm Giảng Võ, Hà Nội năm 1978).(Sưu tập của doanh nghiệp Định Hòa) (Ảnh chụp của tác giả)

  • PHẦN 2: BẢN SẮC VIỆT – ĐẶC ĐIỂM & ỨNG DỤNG | NHIỀU TÁC GIẢ

    n TRANG 270

    Ngoài ra, trong xu thế ngày nay, sơn mài ứng dụng BD cần có chiến lược phát triển cụ thể về kỹ thuật, mỹ thuật (sáng tạo mẫu mã) và xây dựng chiến lược phát triển du lịch (đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, trong đó có các hoạt động của làng nghề và tiếp thị sản phẩm sơn mài).

    Khuyến khích việc dùng sơn ta và kết hợp với những chuyên gia, những nhà khoa học về hóa chất để tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi trong cải tiến chất liệu, phục vụ cho sơn mài ứng dụng. Kết hợp với các ngành nghề khác tại địa phương như: chạm khắc gỗ, gốm sứ... để tạo nên những kiểu dáng đồ dùng phong phú, độc đáo, phù hợp với nhu cầu thị trường, góp phần phổ biến sơn mài ứng dụng đến mọi người.Hình 14: Một mẫu tranh

    Sen của Cơ sở Trần Hà. (Ảnh TLTK 2)

    Hình 15: Một số mẫu bình hoa của Công ty Sobexim.(Ảnh chụp của tác giả từ tập giới thiệu sản phẩm của công ty)

  • MỸ THUẬT ỨNG DỤNG TRÊN ĐƯỜNG TÌM VỀ BẢN SẮC VIỆT

    TRANG 271 n

    Xác định vai trò quan trọng của trường Mỹ thuật Bình Dương (bên cạnh các trường mỹ thuật khác) trong việc đào tạo, bồi dưỡng trình độ, tay nghề cho lớp thợ, chú trọng về quy trình, về kỹ thuật chất liệu và nghệ thuật thể hiện theo truyền thống trên từng công đoạn và từng loại sản phẩm cụ thể. Khẳng định mục tiêu đào tạo để có những lớp thợ chuyên nghiệp, có khả năng tiếp bước các nghệ nhân lão thành, giữ gìn và phát huy những giá trị độc đáo của sơn mài truyền thống.

    Kết luận

    Sự xuất hiện các giá trị thẩm mỹ đơn thuần là cơ sở tiến tới sự xuất hiện các giá trị nghệ thuật đa dạng và phong phú mà BD đang sở hữu là một hình thức phát triển cao của cơ cấu giá trị trong nền văn hóa truyền thống Việt Nam, trong đó, nổi bật vai trò của các thế hệ nghệ nhân, họa sĩ, doanh nghiệp…

    Giá trị nghệ thuật của các sản phẩm được ghi nhận qua tài năng của các nghệ nhân, họa sĩ; sáng tạo các đồ dùng ứng dụng trên nền tảng mỹ cảm truyền thống. Quá trình làm ra sản phẩm là quá trình tạo nên những hình dáng cho sản phẩm. Theo quan niệm của các nghệ nhân khi làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trước đây và hiện nay, theo quan niệm của design hiện đại, đều là quá trình thuộc phạm vi của cấu trúc nghệ thuật. Cấu trúc nghệ thuật là điều không chỉ tồn tại trong sản xuất, mà còn gắn với lịch sử phát triển của nền văn hóa vật chất, thể hiện cụ thể trong sự phong phú của các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng.

    Như vậy, sự hình thành thị hiếu thẩm mỹ chỉ có trong sự phát triển đặc biệt của cảm nhận, nhờ cảm nhận này mà tạo nên những màu sắc hình thể của các vật phẩm. Các sản phẩm sơn mài ứng dụng BD được làm ra với mục đích tiêu dùng trong nền thủ công mỹ nghệ trước đây, tích đọng thời gian nối tiếp thời gian đã tạo ra một thế giới vật thể mang trong nó nhiều thông tin về thời đại, về mối quan hệ sản xuất và xã hội. Trong thế giới vật thể này, có nhiều sản phẩm mang giá trị có một không hai, đơn nhất, không lặp lại. Những kinh nghiệm của cuộc sống được tích lũy trong lĩnh vực sản xuất, ở đó cái đẹp xuất hiện. Cái đẹp đó gắn kết với công nghệ và kỹ thuật ngày càng được nâng cao cùng tài hoa của nghệ nhân, họa sĩ - chủ thể của sáng tạo – sẽ hình thành và nâng tầm nét đẹp của sơn mài ứng dụng BD, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc./.

  • PHẦN 2: BẢN SẮC VIỆT – ĐẶC ĐIỂM & ỨNG DỤNG | NHIỀU TÁC GIẢ

    n TRANG 272

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Trần Lâm Biền (1997), “Mấy nhận xét về Mỹ thuật cổ”, Những vấn đề về Mỹ thuật, NXB Mỹ thuật, Hà Nội.

    2. Thái Kim Điền (2005), Sơn mài Bình Dương vận dụng kỹ thuật truyền thống trong sáng tác nghệ thuật”, Luận văn thạc sĩ Mỹ thuật, trường ĐH Mỹ thuật Tp. HCM.

    3. Thái Hà (2002), Khôi phục và phát triển ngành sơn mài mỹ nghệ dân tộc tỉnh Bình Dương và làng Tương Bình Hiệp, Hội thảo Mỹ thuật Ứng dụng toàn quốc lần II, 12/2002.

    4. Nguyễn Lan Hương (2011), Làng nghề sơn quang Cát Đằng xưa và nay, NXB Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội.

    5. Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương (1998), Mỹ thuật Bình Dương xưa và nay, Công trình nghiên cứu chào mừng kỷ niệm 300 năm Thủ Dầu Một - Bình Dương.

    6. Đỗ Huy (2005), Văn hóa và phát triển, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

    7. Liên Minh (2007), “Bảo tồn và phát triển làng nghề – Thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Xưa và Nay (293), 10/2007, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, tr. 23-24.

    8. Nguyễn Văn Minh (2008), “Nét độc đáo của sơn mài Bình Dương”, Tạp chí Mỹ thuật (182) (2), tr. 50-54.

    9. Nguyễn Văn Minh (2008), “Nhận diện sơn mài truyền thống Việt Nam trong bối cảnh giao lưu hội nhập ngày nay”, Tạp chí Mỹ thuật (189) (9), tr. 59-64.

    10. Nguyễn Văn Minh (2009), “Nghề sơn mài ở Bình Dương”, Tạp chí Di sản Văn hóa (4) (29), tr. 57-60.

    11. Cao Xuân Phách (2005), “Một vài tư liệu về nghề sơn mài Bình Dương”, Tập san Khoa học Lịch sử Bình Dương (1), 16/12/2005, tr. 37- 39.

    12. Sở Văn hóa Thông tin Bình Dương (1995), Lịch sử truyền thống cách mạng xã Tương Bình Hiệp.

    13. Sở Văn hóa Thông tin Bình Dương (1998), Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Thủ Dầu Một – Bình Dương 300 năm hình thành và phát triển.

    14. UBND tỉnh Bình Dương (2010), Địa chí Bình Dương, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

  • MỸ THUẬT ỨNG DỤNG TRÊN ĐƯỜNG TÌM VỀ BẢN SẮC VIỆT

    TRANG 273 n

    15. Bùi Văn Vượng (2000), Di sản thủ công mỹ nghệ Việt Nam, NXB Thanh niên, Hà Nội.

    16. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2004), Vấn đề bảo tồn và phát triển Nghề thủ công truyền thống ở Nhật Bản, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

    17. Trần Minh Yến (2004), Làng nghề truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.