hỘi dÒng xitÔ thÁnh gia viỆt nam hỌc viỆ Ế Ọchoidongxitothanhgia.com/upload/file/tieu...

65
Page | 1 HI DÒNG XITÔ THÁNH GIA VIT NAM HC VIN TRIT HC NIÊN KHÓA 2010 – 2012 LUẬN VĂN CUỐI KHÓA GIÁO SƯ HƯỚNG DN LM. VINH SƠN LIÊM NGUYỄN HNG THANH SINH VIÊN THC HIN ANTÔN NGUYN KHÁNH NHT CỘNG ĐOÀN SCALABRINI THÀNH PHHCHÍ MINH Tháng 5/2012

Upload: vuongphuc

Post on 26-May-2018

217 views

Category:

Documents


0 download

TRANSCRIPT

Page | 1

HỘI DÒNG XITÔ THÁNH GIA VIỆT NAM

HỌC VIỆN TRIẾT HỌC

NIÊN KHÓA 2010 – 2012

LUẬN VĂN CUỐI KHÓA

GIÁO SƯ HƯỚNG DẪN

LM. VINH SƠN LIÊM NGUYỄN HỒNG THANH

SINH VIÊN THỰC HIỆN

ANTÔN NGUYỄN KHÁNH NHỰT

CỘNG ĐOÀN SCALABRINI

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Tháng 5/2012

Page | 2

Con xin chân thành ghi ơn nguyên viện phụ Dominico Phạm Văn Hiền, giám đốc học viện và cha phó giám đốc Théophane Phạm Hữu Ái đã tạo điều kiện thuận lợi cho con trong suốt hai năm theo học triết tại Học Viện Hội Dòng Xitô Thánh Gia.

Cách riêng, con xin hết lòng tri ân cha Vinh Sơn Liêm Nguyễn Hồng Thanh đã tận tình hướng dẫn, đồng hành cùng con trong suốt thời gian làm bài tiểu luận này.

Bên cạnh đó, con xin cảm tạ tri ân tất cả các Giáo sư đã hy sinh rất nhiều trong việc truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm quý báu cho con, nhằm giúp con truy tìm chân lý và hoàn thiện bản thân.

Đồng thời, em xin chân thành cám ơn tất cả các huynh đệ đồng môn thuộc Hội Dòng Xitô và Dòng Đức Mẹ Người Nghèo đã cùng em học tập trong suốt hai năm qua. Quý anh em đã nâng đỡ, sẻ chia với em những khó khăn và thử thách trong học tập cũng như trong đời sống ơn gọi.

Cách đặc biệt, con xin hết lòng ghi khắc công ơn Cha bề trên Dòng Scalabrini, Reinaldo Vassoler, cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Định cùng toàn thể anh em trong Dòng, đã ưu tiên nâng đỡ con nhiều mặt: về tâm linh, tinh thần và vật chất, thời gian và công việc... vv. Tất cả đã tạo điều kiện thuận lợi cho con hoàn thành chặng đường học tại Học Viện Hội Dòng Xitô. Bên cạnh đó, em cũng không thể không gửi lời cám ơn anh Gioan Baotixita Nguyễn Văn Tâm là huynh đệ đồng môn, người đã đồng hành, hướng dẫn nâng đỡ, giải thích và giúp đỡ em hoàn thành bài tiểu luận này.

Một lần nữa, con chân thành cám ơn tất cả quý vị. Nhờ sự giáo huấn, trợ giúp về tri thức, đạo đức, tinh thần và vật chất của toàn thể quý vị mà con mới đạt được thành quả như ngày hôm nay. Nguyện xin Chúa Kitô trả công bội hậu cho toàn thể quý vị. Kính chúc quý vị dồi dào sức khỏe và ơn bình bình an của Chúa Kitô.

Page | 3

Lời nhận xét của Giáo Sư

Thầy Antôn thân mến,

Sau những ngày suy tư chọn lựa đề tài, tìm tài liệu, đọc sách, nghiên cứu, và biên soạn, cuối cùng thầy cũng hoàn thành tiểu luận này để kết thúc chương trình triết học.

«Tri thức» và «đức hạnh» gắn liền với cuộc sống con người. Con người sinh ra là để sống. Sống là để biết và biết là để sống. Nói khác đi, «tri» và «hành» đi đôi với nhau; «tài» và «đức» song hành bên nhau. Chỉ có con người mới có tri thức và đạo đức. Con vật thì không cần biết đến tri và hành, cũng chẳng cần có tài và đức, vì nó chỉ sống theo bản năng. Nhưng là người và làm người thì cần phải «biết đúng» và «hành động» đúng để đạt đến hạnh phúc đích thực hay chân, thiện, mỹ. Đó cũng là mục đích tối hậu mà triết lý hay triết học nhắm đến.

Vì thế, đề tài thầy chọn thật là thú vị và ý nghĩa không những cho một sinh viên khoa triết mà còn cho tất cả mọi người, vì nó rất thực tế và gắn liền với cuộc sống con người mọi thời và mọi nơi. Đặc biệt là hữu ích cho những ai bước theo chân Thầy Giêsu Chí Thánh, Đấng tự xưng là «đường, là sự thật và là sự sống» (Ga 14,6).

Xét về hình thức, thầy đã thực hiện đúng theo phương pháp nghiên cứu và biên soạn. Thầy đã có công đọc sách, biết phân tích và tổng hợp kiến thức tốt. Đồng thời cũng có những suy tư và thao thức cá nhân. Bài viết có lập luận chặt chẽ, văn phong đơn sơ, rõ ràng và dễ hiểu. Thầy cũng có khả năng viết lách và diễn tả tư tưởng tốt. Dĩ nhiên, có vài điểm hạn chế mà bất cứ sinh viên nào cũng không tránh khỏi trong quá trình nghiên cứu và biên soạn. Điều hạn chế đó thầy cũng đã khiêm tốn nhìn nhận ở trong chương I rồi, vì thế tôi không kể ra ở đây.

Xét về nội dung, tôi không dám khen hay chê, cũng không dám phê bình hay hoặc dở. Nhưng việc thầy dám đụng chạm đến hai yêu tố căn bản của triết lý là «tri thức» và «đức hạnh» đã là một việc làm táo bạo và đáng trân trọng rồi.

Ước mong rằng tri thức và đức hạnh, tài và đức, tri và hành luôn song hành trong cuộc sống của Thầy. Thành Phố Hồ Chí Minh,

Ngày 25 tháng 05 năm 2012

Lm. VINH SƠN LIÊM NGUYỄN HỒNG THANH

Page | 4

MỤC LỤC

Chương I: Giới thiệu tổng quát................................................................................................ 01

1. Dẫn nhập...................................................................................................................... 01 2. Lý do chọn đề tài....................................................................................................... 03 3. Phương pháp nghiên cứu............................................................................................. 05 4. Nội dung bài viết......................................................................................................... 06 5. Giới hạn đề tài............................................................................................................. 08

Chương II: Tri thức và đức hạnh qua lăng kính triết học.......................................................... 09

1. Tri thức......................................................................................................................... 09 2. Đức hạnh........................................................................................................................ 11

Chương III: Vài khuynh hướng truy tìm tri thức trước Socrates.............................................. 14

1. Nhóm vũ trụ luận......................................................................................................... 14 2. Nhóm ngụy biện............................................................................................................ 17

Chương IV: Socrates, con người tri thức và đức hạnh............................................................. 21

1. Sơ lược tiểu sử Socrates.............................................................................................. 21 2. Tri thức theo Socrates................................................................................................. 22

a. Vũ trụ quan............................................................................................................ 26 b. Quan điểm của Socrates về luân lý........................................................................ 27 c. Quan điểm của Socrates về thần linh..................................................................... 29

3. Đức hạnh theo Socrates................................................................................................ 31 ● Các khía cạnh nhân bản............................................................................................. 33

Chương V: Mối liên hệ giữa tri thức và đức hạnh..................................................................... 39

1. Socrates – Tri thức là đức hạnh...................................................................................... 39 2. Vài quan điểm khác về tri thức và đức hạnh.................................................................. 43 3. Mặt trái của việc đồng hóa tri thức và đức hạnh............................................................ 47

Chương VI: Luận về tri thức và đức hạnh................................................................................. 50

1. Những khuynh hướng tách rời của con người ngày nay................................................. 50 2. Mặt trái của tri thức khoa học......................................................................................... 51 3. Tôn giáo là một khoa học về sự thiện............................................................................ 54

Kết Luận :.................................................................................................................................... 57

Thư mục tham khảo …………………………………………………………………………… 62

Page | 5

Chương I

Giới Thiệu Tổng Quát

1. Dẫn nhập

Tri thức và đức hạnh là hai yếu tố cần phải có để con người hoàn thiện chính

mình. Từ xa xưa con người đã biết gắn kết chữ tài với đức: “đèn sách đọc thi thư, tu tâm

đức hạnh”1. Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất ngày một nâng

cao thì nhiều người nghĩ rằng tri thức là điều kiện đầu tiên quyết định mọi sự. Những tòa

nhà chọc trời, các máy móc hiện đại lần lượt được phát minh, hệ thống Internet, khám

phá vũ trụ... Đó là những thành quả của quá trình lao động và sáng tạo của con người, tất

cả đều in hằn bóng dáng tri thức và trí tuệ con người. Nhờ những giá trị vật chất đó mà

đời sống con người được nâng cao hơn, thoải mái hơn. Nhìn chung, con người rất hãnh

diện về những thành tựu mình đạt được mà không ngần ngại đưa tri thức lên trên hết.

Dĩ nhiên, khi con người nhầm tưởng tri thức là tất cả thì những giá trị nhân bản

khác sẽ bị lãng quên. Người ta quên rằng mục tiêu cần hướng đến của con người không

chỉ là những giá trị vật chất chóng qua mà là bình an và hạnh phúc. Ngay cả khi con

người tưởng chừng mình đang sống bình an hạnh phúc đó cũng chỉ là cái bóng mờ không

hơn không kém. Đời sống vật chất ngày càng cao, nhu cầu về công việc ngày càng nhiều,

con người càng phải quần quật làm việc như một cái máy. Người ta tiếp xúc với máy móc

nhiều hơn là tiếp xúc lẫn nhau. Họ không còn thời gian gần gũi nhau, chia sẻ cho nhau

những điều cần thiết. Con người trở nên khô khan tình người nếu chỉ sống theo vòng

xoáy của tri thức.

Người ta nghĩ rằng có tri thức, có tài năng thì có thể đội đá vá trời, tự làm chủ bản

thân và xã hội, nắm trọn hạnh phúc trong tay. Từ suy nghĩ đó, con người bỏ quên đạo

đức, xem nhẹ giá trị đạo đức, không quan tâm trau dồi những phẩm chất mà một con

người cần phải có. Một khi con người mải chạy theo những lý tưởng ngông cuồng để rồi 1 Trích lược từ lời bài hát trong phim Tam Quốc Chí của La Quán Trung. Bài hát nhấn mạnh rằng là người quân tử thì phải mạnh cả hai mặt tài – tức tài năng, tri thức và tâm là rèn luyện nhân đức của mình đó là đức hạnh.

Page | 6

làm xã hội nghiêng ngửa đảo điên. Càng có tài năng gây ra nhiều tác hại một khi tài năng

đó không được sử dụng vào mục đích có ích cho mình và cho xã hội. Một người có đầu

óc sắc sảo nắm giữ vị trí quan trọng trong xã hội mà không có đạo đức thì nguy hiểm biết

chừng nào. Một kẻ hành nghề trộm cướp còn không đáng sợ, tác hại không lớn bằng một

ông giám đốc tham lam của công và ưa ăn hối lộ, hay một kẻ nắm quyền cầm cân nảy

mực mà không công chính nghiêm minh. Nói như thế không có nghĩa là xem nhẹ tri thức

hay tài năng; trái lại, tài phải đi đôi với đức, tri thức và đức hạnh phải được kết hợp chặt

chẽ với nhau, đi đôi với nhau. Người không có trình độ hiểu biết, không có tri thức thì

không giúp ích được gì cho bản thân và xã hội, làm việc gì cũng chẳng xong; trái lại,

những mưu toan và hành động của họ cũng rất nguy hiểm cho xã hội.

Một người tri thức hay tài năng chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy họ biểu lộ qua

cuộc sống. Chẳng hạn anh A học giỏi, cô B hát hay.... Tuy nhiên, đức hạnh của mỗi

người thì không dễ để ta nhìn thấy vì nó không lộ ra ngoài như tài năng. Tài năng là mặt

nổi, đức hạnh là mặt chìm. Cũng chính vì cái bên trong không ai nhìn thấy nên người ta

dễ dàng lãng quên hay bỏ mặc nó, không quan tâm trau dồi các phẩm chất đạo đức của

mình.

Tri thức và đức hạnh là hai vấn đề nổi lên từ thời xa xưa ở cả Đông và Tây. Đông

Phương tin vào vạn vật đồng nhất thể, tin vào sự hài hòa của vạn vật. Sự hài hòa đó được

thể hiện trong chính quan niệm Tri và Hành; biết là nhân đức, biết là tin, và biết là sống

điều mình biết. Trong văn hóa Việt Nam cái tài, cái đức phải đi đôi với nhau, nếu tách

riêng hoặc phát triển không cân đối thì đó là con người thiếu hoàn chỉnh, hữu văn vô

hạnh có sự khập khiễng nào đó. Tương tự, tri thức và đức hạnh của Tây Phương là hai

yếu tố không thể tách rời. Socrates còn nhấn mạnh hơn và cho rằng: “tri thức và đức

hạnh là một – Người ta biết điều tốt sẽ làm điều tốt, họ làm điều xấu chỉ vì không biết

điều đó là xấu...”2. Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng tri thức và nhân đức không

thể là một, và mặt trái của sự thống nhất đó vẫn còn những lủng củng chưa giải quyết

được. 2 X. Lê Tôn Nghiêm, Socrates, Ca dao, tr.39.

Page | 7

Giữa các nhà hiền triết xưa nay, Socrates – triết gia Hy lạp Cổ đại, là một trong

những nhân vật lớn, được coi ngang hàng với Khổng Tử, Phật Thích Ca. Mặc dù Socrates

không phải là đấng sáng lập hay ảnh hưởng nhiều đến tôn giáo, nhưng với đời sống đơn

sơ gương mẫu, nhất là cái chết anh dũng quân tử của một triết gia, ông đã ghi sâu trong

ký ức nhiều người hình ảnh của một con người đáng sống. Socrates là một tấm gương lớn

về người tri thức sống đức hạnh mà người viết sẽ nói đến nhiều trong bài này. Ông được

nhiều triết gia, nhiều học giả cả Đông lẫn Tây không ngớt lời ca tụng và nghiên cứu

những tư tưởng cao sâu của ông. Với ông, tri thức và nhân đức là một thể thống nhất

không thể tách rời, “người ta không thể làm điều ác, nếu có tri thức đúng đắn”3. Văn hóa

Việt Nam cũng thường đề cao Tài – Đức song song với nhau. Vì có tài mà không có đức

sẽ dễ rơi vào độc tài, nham hiểm. Ngược lại, có đức mà không có tài thì không giúp ích gì

cho xã hội.

Thế giới ngày nay phát triển quá mạnh về tri thức khoa học mà dường như những

phẩm chất đạo đức đang dần mất đi. Đời sống luân lý, đức hạnh, văn hóa truyền thống

trong xã hội thực dụng đang bị tách ra từng mảng, cái biết và sống không còn đi với nhau

mà khốn thay cái biết phá hủy đạo đức con người hoặc cướp đi những công việc thiêng

liêng của Thượng Đế như nạn phá thai hay nhân bản vô tính... Chúng ta có thể nghiên

cứu khía cạnh trên trong tư tưởng triết học Socrates nhằm tìm ra chân lý cho chính mình,

cũng như tìm ra những nguyên nhân của sự khập khiễng giữa tri thức và nhân đức, giữa

tri-hành, tài-đức để trở thành một con người phát triển toàn diện.

2. Lý do chọn đề tài

Sống trong thế kỷ XXI, chúng ta được chứng kiến biết bao thành công của khoa

học kỹ thuật. Nhìn chung, nhờ vào sự phát triển đó mà đời sống con người ngày càng

được nâng cao cả về chất và lượng. Sở dĩ có được những bước phát triển vượt bậc đó là

nhờ vào tài năng, vào tri thức, trí tuệ của con người. Con người không ngừng phát minh

ra vô số những thứ cần thiết để đáp ứng nhu cầu cho mình. Tuy nhiên, lòng tham của con

3 X. Ibid., tr. 39.

Page | 8

người hình như vô đáy, không gì có thể lấp đầy được. Dù sống trong một thế giới văn

minh, con người vẫn đối xử tệ bạc với nhau. Chiến tranh, hận thù, áp bức, chia rẽ vẫn tồn

tại quanh ta như những vết nứt không thể hàn gắn. Đó là kết quả của việc con người chỉ

tập trung học tập nâng cao tri thức mà quên đi những giá trị nhân bản và tâm linh khác.

Vì một khi con người được rèn luyện về mặt tri thức mà không quan tâm đến việc tu

luyện đạo đức thì con người dễ dàng sử dụng tri thức như là công cụ để thống trị kẻ khác.

Thời gian gần đây, qua các phương tiện truyền thống đại chúng, chúng ta thấy

nhiều hình thức bạo lực xảy ra như: bạo lực học đường, bạn bè đánh đập nhau, trò đánh

thầy, thầy “lợi dụng” học trò, gian lận thi cử ... Những người có quyền thì ức hiếp nhân

dân, nhận hối lộ, tham ô của công, mua quan bán chức ... Nhìn chung ở bất kỳ bộ phận

nào trong xã hội cũng nhan nhản những việc làm trái lương tâm. Không thể nói rằng

những tầng lớp nói trên là những người vô học hay không tri thức, đúng hơn phải nói tri

thức của họ bị biến chất vì thiếu đức hạnh nuôi dưỡng và bao bọc. Xã hội đang bị đảo

lộn, đang quay cuồng và đang tan vỡ thành từng mảng vì không được xây dựng trên nền

tảng là nhân đức.

Mặt khác, khởi đi từ những tư tưởng của Socrates: “tri thức là đức hạnh”, “người

ta biết điều tốt sẽ làm điều tốt”, “con người làm điều xấu vì họ không biết điều đó là xấu,

nếu được giáo dục chu đáo con người sẽ làm điều tốt”4. Những phát biểu của ông làm

cho người viết phân vân đặt ra nhiều câu hỏi và nhận ra rằng trong thực tế không hoàn

toàn như Socrates đặt ra, có lẽ ông đã quá lý tưởng khi cho rằng tri thức và đức hạnh là

một. Nếu tri thức và đức hạnh là đồng nhất với nhau thì có lẽ người ta không phải chứng

kiến hai cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu trong thế kỷ XX, nạn diệt chủng Hiller, Khơ-

me-đỏ... Không thể nói rằng những đối tượng thực hiện các cuộc chiến tranh trên vì họ

không biết, họ làm vì thiếu tri thức. Đúng hơn phải nói tri thức của họ vượt quá những gì

ta tưởng tượng và tri thức đó bị biến chất và không được xây dựng trên nền tảng là đức

hạnh nên con người đã gây ra biết bao đau khổ cho nhau.

4 X. Samuel Enoch Stumpf, Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề, Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy, Nxb Lao Động, 2004, tr. 31.

Page | 9

Như thế, nhìn thẳng vào thực trạng giá trị nhân bản đáng báo động của xã hội ngày

nay, qua nghiên cứu này, người viết muốn nhắc nhở chính mình luôn ý thức về giá trị của

tri thức và đạo đức để trao dồi. Với tư cách là tu sỹ trẻ đang được thụ huấn tại dòng

Scalabrini, chắc chắn rằng tương lai, tôi sẽ được sai đi để sống, để cộng tác và phục vụ

tha nhân. Muốn phục vụ tha nhân phải trau dồi tri thức. Tuy nhiên, nếu có tri thức mà

thiếu đức hạnh thì chưa phải là muối là men đích thực mà thế giới này đang cần. Vậy làm

sao để tri thức và đức hạnh triển nở đầy đủ trong tôi, giúp tôi trở thành người tu sỹ lý

tưởng? Đó là những thao thức làm động lực giúp tôi cất công tìm hiểu đề tài này với hy

vọng qua học tập không những tri thức của bản thân được nâng cao mà nhân đức cũng

được cải thiện.

Cuối cùng, tiểu luận này không chỉ dành riêng cho tôi hay cho những đọc giả triết

học, mà là tất cả mọi người đều có thể đọc để có cái nhìn tổng quát về tri thức và đức

hạnh, nhờ đó có thể rút ra những kinh nghiệm sống cho chính mình. Vì vậy, ngôn từ sử

dụng trong bài viết sẽ đơn giản, phổ thông dễ hiểu, tư tưởng không quá trừu tượng

chuyên sâu. Mong rằng qua bài viết bản thân và những người có dịp đọc đều có thể giữ

lại cho mình chút dư âm khắc khoải về tri thức và đức hạnh để cùng nhau tìm lời giải đáp

cho riêng mình trong đời thường.

3. Phương pháp nghiên cứu

Chúng ta biết rằng Socrates không để lại tác phẩm triết học nào. Những gì ta biết

về ông chủ yếu qua các tác phẩm của Platon và một số đồ đệ khác để lại. Chính vì vậy,

muốn tìm hiểu về Socrates phải dùng phương pháp tổng hợp, thu thập tài liệu từ nhiều

nguồn khác nhau. Đọc và nghiên cứu tài liệu, sau đó thông diễn theo cách hiểu bản thân

sao cho phù hợp với tư tưởng và ngôn từ của ngày hôm nay.

Như thế, bài này sẽ được trình bày theo phương pháp tổng hợp và phân tích. Ngoài

việc sử dụng phương pháp tổng hợp và phân tích, người viết còn sử dụng những suy tư và

cảm nghiệm cá nhân. Qua đó, người viết mong muốn có được sự hiểu biết chính xác và

Page | 10

sâu sắc hơn về tri thức và đức hạnh, cũng như tầm quan trọng và mối tương quan giữa

chúng.

4. Nội dung bài viết

Bố cục toàn bài sẽ được phân chia như sau:

Chương I là phần giới thiệu đề tài, giới thiệu chung phần tri thức và đức hạnh. Nêu lên những vấn đề liên quan đến tri thức và đức hạnh, những điểm nóng trong xã hội ngày nay – một xã hội quá chú tâm đến tri thức mà quên đi các giá trị nhân văn khác. Đồng thời, trong phần này người viết giới thiệu phương pháp nghiên cứu cũng như mục tiêu của bài viết, tức là điểm đến của toàn bài.

Chương II là phần bàn về tri thức và đức hạnh dưới nhãn quan triết học. Đây cũng

là phần giúp nắm bắt cách tổng quát khái niệm về tri thức và đức hạnh là gì trước khi đi

sâu vào bài.

Tiếp chương III là phần chuẩn bị dọn đường để người đọc đi vào trọng tâm của bài

ở những chương tiếp theo. Chương này sẽ bàn về các khuynh hướng truy tìm tri thức

khác nhau của một số trường phái triết học trước Socrates. Đặc biệt là sự tìm kiếm tri

thức của các nhà Ngụy biện. Cách chung, trường phái Ngụy biện là những người buôn

bán tri thức. Họ dạy người khác các kỹ năng nhằm thu phục lòng người, cốt yếu thu lợi

cho bản thân bất chấp cách thức hay phương tiện thực hiện thế nào, dạy thuật tu từ hùng

biện... Tuy nhiên, nếu không chú tâm trau dồi các nhân đức nhân bản thì khi đạt được tri

thức lòng người vẫn trở nên khô khan chai đá. Sự chai sạn đó là hậu quả của việc miệt

mài truy tìm tri thức để thỏa mãn khát vọng hiểu biết của con người mà thiếu đi đức hạnh

làm nền tảng xây dựng tri thức. Để giải gỡ những bế tắc đó người viết sẽ trình bày trong

chương IV.

Trong chương này hình ảnh Socrates được đề cập như mẫu mực của người tri thức

sống đức hạnh. Ông đã dành trọn cuộc đời cho suy tư triết học. Không những thế, ông

sẵn sàng chết để bảo vệ cho chân lý, cho lý tưởng mà ông suốt đời theo đuổi. Chính vì

Page | 11

thế, Socrates đã đồng hóa tri thức với đức hạnh - “người ta biết điều tốt sẽ làm điều tốt”.

Có lẽ ông đã quá lạc quan về điều này vì trong đời thường mọi việc không đơn giản như

ông nghĩ. Tuy vậy, ông đã có những suy nghĩ lạc quan về con người, về bản chất hướng

thiện của con người và nhất là về giáo dục. Dẫu sao thì tư tưởng của ông cũng trở thành

đề tài gây chú ý cho bao thế hệ đi sau, đặt nghi vấn cho hậu thế tìm lời giải đáp bài toán

tri thức và nhân đức cuộc đời.

Chương V đề cập đến mối tương quan hai chiều giữa tri thức và đức hạnh. Trong

tri thức phải có đức hạnh, trái lại, trong đức hạnh có tri thức đi kèm. Con người là tập hợp

bao gồm cả tri thức và đức hạnh. Thiếu một trong hai con người sẽ phát triển không cân

đối hoặc sẽ bị “khiếm khuyết” về tri thức hoặc về đức hạnh. Đời sống con người chỉ đạt

được giá trị đích thực khi biết kết hợp hài hòa giữa hai phía tài và tâm, tri thức và đức

hạnh. Hơn nữa, đôi khi còn phải đặt chữ “tâm” ở trên chữ tài. Bởi vì: “chữ Tài liền với

chữ tai một vần”... và “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”5.

Chương VI là một vài suy nghĩ khác liên quan đến tri thức và đức hạnh. Con

người ngày thường có khuynh hướng tách rời tri thức và đức hạnh để dễ dàng chiều theo

bản năng hưởng thụ của mình. Đây là vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện đại. Bên cạnh đó,

nếu xuyên suốt toàn bài bàn đến tri thức và đức hạnh là một thì trong phần này sẽ đề cập

đến những mặt trái của tri thức khoa học – Những tri thức đã bị con người bóp méo để

phục vụ cái tôi ích kỷ của mình.

Phần cuối của bài tiểu luận mang nặng tính cách suy tư của người viết. Lối suy tư

khởi hứng từ cuộc sống hiện tại về tri thức và đức hạnh. Liệu rằng với tầm mức phát triển

nhanh chóng của khoa học kỹ thuật như thời đại ngày nay thì những giá trị đạo đức nhân

văn sẽ đi về đâu. Phải chăng như Socrates phát biểu : tri thức là đức hạnh... người ta biết

điều tốt sẽ làm điều tốt”? Nếu quá đúng như thế thì chỉ cần được giáo dục đàng hoàng

nghiêm chỉnh người ta sẽ không làm những việc xấu xa nữa. Lý thuyết là thế nhưng tiếc

thay thực tế lại khác, tội ác không chỉ xuất phát từ những thành phần ít học hay dốt nát

5 Nguyễn Du, Truyện Kiều, câu 3252.

Page | 12

trong xã hội; trái lại, càng học cao, càng có tri thức, có quyền hành thì người ta lại càng

lạm dụng quyền hành đó để gây ra bao điều ác cho nhau.

5. Giới hạn đề tài

Với lý do chọn đề tài, phương pháp nghiên cứu, và nội dung bài viết được giới

thiệu trên đây, người viết sẽ giới hạn đề tài vào việc khai triển hai khái niệm tri thức và

đức hạnh dựa theo quan niệm của Socrates và một số triết gia, chứ không có tham vọng

đi sâu vào nghiên cứu tư tưởng của các triết qua các thời đại đã nói về đề tài này.

Vì giới hạn về ngôn ngữ và nguồn tài liệu, nên người viết không thể trình bày tư

tưởng của Socrates bằng bản văn gốc (tiếng Hy lạp) mà chỉ tìm hiểu qua các bản dịch

bằng Việt ngữ...

Một số giới hạn khác: giới hạn đề tài trong lãnh vực triết học chứ không trình bày

nhiều về khía cạnh luân lý hay tu đức.

Page | 13

Chương II

Tri Thức và Đức Hạnh Qua Lăng Kính Triết Học

1. Tri thức6

Tri thức là những hiểu biết có hệ thống về sự vật, là toàn bộ di sản văn hóa, khoa

học, đạo đức của nhân loại trải qua lịch sử các nền văn minh. Dưới cái nhìn của triết học

thì tri thức là sự tiếp nhận đối tượng nhờ giác quan hay nhận thức do trí năng nảy sinh từ

những ý niệm, rồi tinh luyện và đồng hóa với chính mình. Tri thức là cuộc gặp gỡ giữa

chủ thể và đối tượng, chẳng hạn khi con người nhìn vào vũ trụ, suy nghĩ, tìm kiếm tư duy

về nó, khi đó con người đã tri thức về đối tượng rồi7. Đối với Socrates, khi con người

nhìn về chính mình, suy nghĩ tìm kiếm nơi mình thì đó là tri thức. Tri thức mà Socrates

nhắm đến nằm ở trong chính con người chứ không phải tìm kiếm bên ngoài chủ thể như

khuynh hướng tìm tòi của các nhà vũ trụ luận thời bấy giờ vẫn thường làm.

Triết học ra đời do hoạt động nhận thức của con người nhằm phục vụ nhu cầu

sống. Nhằm trả lời thắc mắc của con người về thế giới, và vai trò của con người tồn tại

trong thế giới này. Như thế, tri thức triết học đề ra những vấn đề liên quan đến con người

như: sống để làm gì? Tại sao con người luôn gắn liền với sự đau khổ và sự chết? Sau khi

chết con người sẽ đi về đâu? Hạnh phúc là gì? Cuộc đời này có ý nghĩa gì không?...

Chính vì vậy, tri thức triết học luôn xem xét những nhận thức của con người để phân biệt

chân giá trị của nó nhằm tránh những thành kiến, những cố chấp của niềm tin, mê tín hay

6 Tri thức có vai trò như là một từ của một ngôn ngữ. Đồng thời, tri thức cũng có vai trò là sự diễn tả nguồn gốc, sự phát triển và các mối quan hệ của sự vật, hiện tượng trong vũ trụ. Dưới phương diện là một từ của một ngôn ngữ, Tri thức có thể được hiểu một cách rất dễ dàng. Ví dụ trong từ điển tiếng Anh Oxford, Tri thức (Knowledge) được giải thích là: "Tri thức là những gì mà bạn đã học. Tri thức tổng quát (General Knowledge) là hiểu biết về nhiều thứ khác nhau". Nói tóm lại, "Tri thức" nhìn dưới góc độ ngôn ngữ học là một khái niệm rõ ràng và dễ hiểu. 7 X. Nguyễn Hồng Giáo, Triết Học Nhập Môn, tr. 20.

Page | 14

những tín điều của một số tôn giáo lệch lạc. Không những thế, tri thức triết học còn đặt

lại những vấn đề, những phát minh khoa học nhằm tìm giải đáp sâu xa nhất của thực tại.

Trong sinh hoạt triết học con người luôn đặt ra các câu hỏi trên rồi cất công đi tìm

lời giải đáp. Khi đã tìm được lời giải đáp người ta sẽ có lối sống hợp lý, tương ứng cho

những lời giải đáp đó – triết gia Socrates là một ví dụ rõ nhất trong trường hợp này. Thực

ra ai cũng cố tìm cho mình một câu châm ngôn hay một triết lý để sống. Thậm chí ngay

cả những kẻ sống bất cần đời hay buông mình trôi theo dòng chảy cuộc đời, đến đâu hay

đến đó cũng đều có một quan niệm triết lý riêng của họ. Tuy nhiên, tri thức triết học hoàn

toàn không phải như thế. Trái lại, tri thức triết học là một khoa học hợp lý hơn bởi các

triết gia suy tư có phương pháp và có những lập trường đưa tới một chân lý phổ quát mà

ai cũng công nhận. Đó là giá trị của tri thức triết học.

Mặt khác, triết học hay khoa học đều cố gắng giải đáp các thắc mắc. Mỗi giải pháp

suy tư đều có thể đúng, có thể sai hoặc chỉ nhìn vấn đề theo một khía cạnh nào đó không

thể giống nhau. Tri thức triết học khao khát tìm kiếm chân lý, còn tri thức khoa học ghi

nhận và giải thích những vấn đề của cuộc sống, truyền đạt cũng như bảo vệ một chân lý,

chân lý khoa học. Tri thức khoa học nhìn thực tại như nó là nó, không phụ thuộc bối

cảnh, công dụng, quan điểm của sự vật. Tri thức triết học lại nhìn sự vật và đi vào nội tâm

con người, suy tư lý lẽ để tìm ra những nguyên nhân phát xuất của sự vật. Như thế, cái

biết của triết học không chỉ là biết cách hời hợt, mà là biết uyên thâm tại sao và tìm

nguyên nhân để giải thích nhằm thấu suốt thực tại sâu xa nhất của sự vật.

Chính nhờ cái biết uyên thâm mà làm cho tri thức triết học có giá trị lớn lao, có

tầm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống con người và xã hội. Quốc gia nào cũng xây dựng hệ

thống chính trị trên một học thuyết triết học nào đó mà họ cho là phù hợp với con người

và bối cảnh xã hội của họ. Một học thuyết được đưa ra có thể làm thay đổi cục diện của

thế giới. Điều này đã được chứng minh trong lịch sử nhân loại.

Như thế, tri thức mang tính triết học rất quan trọng trong đời sống con người. Nếu

chúng ta biết vận dụng tri thức mang tính chất triết học, chúng ta sẽ gặt hái được nhiều

Page | 15

thành công nhất định trong cuộc sống. Vì nó sẽ khai mở tận căn, mọi vấn đề liên quan

đến con người, nhờ đó chúng ta có thể thâu nhận được nhiều giá trị thực tiễn. Hơn nữa, tri

thức triết học còn đặt nền tảng nhằm xây dựng các mảng tri thức khoa học khác nhau

nhằm giúp con người gặt hái được các giá trị thực tiễn phục vụ cuộc sống. Đó là điều

khẳng định vai trò cũng như giá trị của tri thức triết học. Tuy nhiên, con người không chỉ

được xây dựng nhờ vào các giá trị của tri thức mà còn phải nhờ đức hạnh nuôi dưỡng. Vì

con người nếu thiếu đạo đức nhân bản sẽ chẳng khác nào như cây không sinh hoa kết

quả.

2. Đức hạnh

Trước hết, đức hạnh được biết đến như là những thói quen tốt và bền vững giúp ta

đạt đến điều thiện và hành động theo những điều thiện đó8. Đức hạnh có thể điều khiển

đời sống con người theo những nguyên tắc của lý trí và của niềm tin. Chỉ có con người có

lý trí, có tự do vì thế đức hạnh buộc con người phát huy những giá trị phù hợp với bản

tính riêng của mình. Triết học đề cao con người vì con người là một “nhân vị” không thể

thay thế. Còn Kitô giáo đề cao phẩm giá con người, vì chúng ta được tạo dựng giống hình

ảnh của chính Thiên Chúa. Với Socrates, đức hạnh ở đây cũng chính là đạo đức, là đời

sống nhân bản, vì linh hồn quyết định mọi hành vi của con người. Đức hạnh không chỉ là

những hành vi hướng về Thượng Đế mà là một khoa học về sự thiện. Đức hạnh hay đạo

đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được xã hội thừa nhận, qui định hành vi tương quan

giữa con người với nhau trong trật tự xã hội. Nhưng, vì sao vấn đề đạo đức lại được đặt ra

cho con người?

Bởi con người có tính xã hội, sinh ra và lớn lên trong xã hội nên yêu cầu về đạo

đức mới được đặt ra. Nói cách khác, luân lý đạo đức đặt nặng về mối tương quan qua lại

cũng như phong tục tập quán trong xã hội. Như thế, đức hạnh vừa là một giá trị, vừa là

một yêu cầu. Giá trị vừa mang tính cách tự thân vừa mang tính cách đối đãi, so sánh, và

yêu cầu chủ yếu là tương quan đối đãi nhưng cũng vừa mang giá trị tự thân. Cũng có thể

8 X. TSLS. Võ Hưng Thanh, Từ Thực Tại Vũ Trụ Đến Triết Học, Nxb Tp HCM, 2002, tr. 91.

Page | 16

nói ý nghĩa đức hạnh vừa mang tính cách hướng ngoại vừa mang tính hướng nội. Môi

trường của đạo đức hay đức hạnh là đời sống cộng đồng, xã hội, nhưng ý nghĩa của đức

hạnh lại là tính cách chủ thể của cá nhân9. Tuy nhiên, đâu là cơ sở làm nền tảng để xây

dựng đức hạnh?

Thiết nghĩ cơ sở của đức hạnh được xây dựng trên yếu tố lý trí và tình cảm. Tình

cảm phát huy lý trí và lý trí xây dựng cơ sở cho tình cảm. Tuy nhiên, ý nghĩa của đạo đức

không những cần giá trị chân chính mà còn cần ý nghĩa chân thực. Thiếu ý nghĩa chân

thực đức hạnh hay đạo đức không còn giá trị bó buộc, không có sự chân thành thì đạo

đức đó trở thành đạo đức giả. Đạo đức luôn phát sinh từ khả năng phán đoán của lý trí và

ý nghĩa của lương tâm.10 Một nguyên tắc căn bản của đạo đức đó là “làm điều lành, tránh

điều dữ”

Điều gì ta thành thật cho là tốt thì điều ấy không trái với giá trị đạo đức, song đạo

đức đó chỉ mới là đạo đức chủ quan. Cho nên đạo đức khách quan là đạo đức phải phù

hợp theo yêu cầu của xã hội. Điều gì ta nhận thức khách quan là tốt với xã hội và nhất

thiết không đi ngược lại, đó là đạo đức xã hội. Đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội là làm

điều tốt cho bản thân mình và cho xã hội. Kinh Thánh chép rằng: “điều gì các con không

muốn kẻ khác làm cho mình thì cũng đừng bao giờ làm cho kẻ khác” (Mt 7,12). Đó là

tiêu chuẩn đạo đức chung giúp ta hành động hài hòa giữa lợi ích cá nhân và xã hội.11

Mặt khác, ta biết rằng tự bản thân từ “triết học” – philosophia có nghĩa là “yêu

mên khôn ngoan”, đi tìm sự khôn ngoan. Con người học tập nâng cao tri thức cho mình

và luyện tập đức hạnh thì chính con người cũng đang thực hành triết học. Do đó, tự bản

chất tri thức và đức hạnh nằm trong lĩnh vực triết học. Không những thế, chữ sophia

trong tiếng Hy Lạp còn có ý nghĩa thứ hai là: nghệ thuật sống luân lý, giúp ta tránh được

sai lầm và đương đầu với những khó khăn một cách sáng suốt. Như vậy, theo nguyên lý

về tinh thần của người Hy Lạp, một người khôn ngoan vừa là một hiền nhân sống tốt vừa

9 X. TSLS,. Võ Hưng Thanh, Từ Thực Tại Vũ Trụ Đến Triết Học, Nxb Tp HCM, 2002, tr. 92. 10 X. Ibid., tr. 92. 11 Ts.Ls., Võ Hưng Thanh, Từ Thực Tại Vũ Trụ Đến Triết Học. Nxb Tp HCM, 2001, tr. 92.

Page | 17

là một nhà bác học có kiến thức uyên thâm. Hiền nhân và bác học là một. Người khôn

ngoan vừa biết sống cho hợp lý vừa hiểu biết ngọn nguồn của mọi sự12. Đây cũng chính

là quan điểm tri thức và nhân đức là một của Socrates. Chính quan điểm này đã khơi dậy

mầm mống cái thiện nằm sâu trong thâm tâm mỗi người chúng ta.

Như thế, việc tìm về với chính mình, tìm về với cái thiện là việc làm rất quan

trọng của mỗi người chúng ta. Thế nhưng, đối với triết học Hy Lạp ba thế kỷ đầu, các

triết gia chỉ chú tâm vào việc tìm hiểu vũ trụ bên ngoài, đề cao khía cạnh “tri”. Kể từ

Socrates về sau yếu tố “hành” được đưa lên vị trí hàng đầu. Triết học quay về với con

người và những vấn đề nhân sinh. Tri thức chỉ là phương tiện, là con đường, còn nhân

đức, cái hành, sống đúng, sống hạnh phúc mới là mục đích. Triết gia muốn hiểu, muốn

biết thì phải sống trong chân lý sự thiện. Đối với Socrates, triết học phải phục vụ con

người, đi từ cái biết của lý trí đưa đến hành động đúng. Đó cũng là đức hạnh thấm đượm

tinh thần triết học của Socrates.

12 X. Nguyễn Trọng Viễn, Trăm Năm Trong Cõi Người Ta, tr.33.

Page | 18

Chương III

Một Số Khuynh Hướng Truy Tìm Tri Thức Trước Socrates

Triết học giai đoạn Socrates là thời kỳ phân ranh quan trọng của triết học Cổ đại.

Trước ông gồm hai luồng tư tưởng chính đó là nhóm Vũ trụ luận và nhóm Ngụy biện.

Trong chương III này người viết cố gắng đi vào tìm hiểu cách thức truy tìm tri thức của

họ như thế nào, đặc biệt là họ gặp phải những khó khăn gì trong đời sống khi chỉ nhấn

mạnh việc tìm kiếm tri thức bên ngoài vũ trụ mà quên đi các giá trị khác trong đời sống

hằng ngày.

1. Nhóm vũ trụ luận

Có thể nói rằng, vạn vật đều có lý do sinh ra và hiện hữu, tồn tại và mất đi trong

không gian và thời gian. Đó là quy luật của trời đất, của vũ trụ mà vạn vật đã được định

đoạt hay lập trình theo một kế hoạch như thế. Trong khi đó, các nhà Vũ trụ luận luôn

khắc khoải bận tâm đi tìm những lý do đó, tìm chân lý phổ quát cho vạn vật trong trời

đất. Bên cạnh đó, họ còn tìm cách giải thích vũ trụ và các hiện tượng một cách minh

bạch. Nhóm này gồm các nhà Siêu hình học, Thiên văn học và các nhà Khoa học tự

nhiên; mỗi trường phái có những phương pháp riêng nhưng tất cả đều nhằm giải đáp

những vấn đề về bản chất, nguồn gốc và số phận của sinh vật, của con người và vũ trụ.

Để giải thích cho việc hình thành vũ trụ này Theles13 chủ trương rằng vạn vật trong vũ trụ đều bắt nguồn bởi nước. Nước là nguyên nhân chất thể của vạn vật. Nơi nào có sự sống, nơi đó có nước. Nước tồn tại bên trong vạn vật. Nước có sức mạnh khủng khiếp, có thể lan tỏa đến mọi hang động vực thẳm. Nước có thể mặc lấy bất kỳ hình dạng

13 Thales: Sinh tại Mi-lê, sống vào khoảng năm 640 tới năm 548. Triết gia nổi tiếng năm 585, và đã tiên đoán được nhật thực, là một hiện tượng lạ lùng đối với người thời đó. Thales chú ý đến những hiện tượng sinh vật và động vật như : sinh tử, sản xuất, tiêu diệt. Ông chủ trương rằng: phải có một nòng cốt, Substratum nào đó, để nâng đỡ và giải thích các hiện tượng ấy. Thales quan niệm đó là NƯỚC.

Page | 19

nào. Không sinh vật nào tồn tại mà không nhờ nước. Từ nước có thể sản sinh ra muôn loài muôn vật.... Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng vạn vật chứa đầy thần thánh từ nội tại và chứa thần thánh cho mọi sự. Thần thánh đó chính là linh hồn của vạn vật.

Không giống như Thales, Anaximander14 hoàn toàn phủ nhận tư tưởng này. Ông

cho rằng nguyên lý của mọi loài không thể hữu hạn như nước được. Vì khi một sự vật đã

là chính nó thì không thể là nguyên nhân tác thành vạn vật được. Nếu A đã là A thì A đã

được cái gì đó khác A sinh ra A. Tương tự nước đã là nước, nghĩa là ta đã chỉ định được

nước, thì phải có cái gì đó tồn tại khác nước sinh ra nước, vì thế không thể nói nước là

nguyên nhân của vạn vật. Nguyên nhân tác thành vạn vật chính nó phải là vô hạn, vô định

và mọi vật đều bởi đó mà ra rồi lại trở về vô hạn, kể cả nước.

Đối với Anaximennes15, nguyên chất căn bản tác thành vạn vật là khí. Khí cũng là

sự tồn tại của vật chất và cũng là sự hiện diện của thần thánh. Mọi sự đều biến tan trong

khí, hồn chúng ta cũng bởi khí mà ra và bao bọc chúng ta. Ngoài ra, khí bao bọc toàn vũ

trụ.

Thuyết Pythagoras16 chủ trương, nguyên tố tối hậu của vạn vật không phải là yếu

tố vật chất mà là những con số. Vạn vật quanh ta đều được ấn định bởi các con số toán

học. Con số là thực tại, là nguồn giải thích cả vũ trụ. Pythagoras đi đến quan điểm này

bởi ông khám phá ra rằng mỗi nốt nhạc và cấu trúc trong âm nhạc đều có thể lý giải như

những tỷ lệ. Điều này gợi hứng cho ông rằng mọi hiện tượng tự nhiên đều có tính toán

14 Anaximander: Sinh năm 610. Ông đã thiết lập một bản đồ phân ranh giới biển và lục địa. Ông đã bác bỏ Thales như sau: “ nếu Nước thật là căn nguyên vũ trụ, làm sao nước có thể biến thành mọi vật được, vì nước là vật nhất định” ? Căn nguyên của mọi vật phải là một vật gì vô định, có thể thu nhận thiên hình vạn trạng. Theo ông, yếu tố tối hậu và căn bản chỉ có thể là một vật gì hay nguyên tố vô định. Quan niệm về Thượng Đế cũng đáng được chú ý. Ông đã đồng hóa nguyên lý và nguyên tố của sự vật với vô hạn thể, một danh từ tiến gần đến danh từ Thượng Đế. 15 Anaximennes: Triết gia là nhà thiên văn học, nổi tiếng năm 546. Ông quan niệm rằng KHÍ là nguyên lý của mọi sự.“Anaximennes thành Mi-lê quả quyết rằng nguyên lý của mọi sự là khí ; vì bắt đầu từ đó mà mọi sự phát sinh và mọi sự đều biến ta trong khí, cũng như theo lời ông nói, hồn chúng ta bởi khí mà ra và bao bọc chúng ta, khí bao bọc và chứa đựng toàn thể vũ trụ”. Quan niệm về nguyên lý bao bọc và chứa đựng mọi sự, chính Anaximander đã lưu ý rồi. Nhưng triết gia Anaxime đã bổ túc hai điểm :Nguyên lý của mọi sự ở trong trạng thái biến chuyển không ngừng. Thales cũng đã nghĩ tới, nhưng Anaxime đã đem áp dụng cho nguyên lý của sự vật cách đặc biệt. 16 Pythagoras: Đây là nhà toán học trứ danh nhất, theo tục truyền, là tác giả bản cửu chương và một định lý hình học cơ bản. Quê quán ông là hải đảo Samos thuộc xứ Ionia. Sinh năm 540. Vì muốn tránh một nhà độc tài tên Polyerbe, nên tự ý vượt biển sang mạn Nam Ý và định cư tại Crotone. Qua đời tại thành Metaponte (Ý).

Page | 20

học. Tuy vậy, quan điểm của ông vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục người khác, bởi lẽ thật

khó giải thích rằng mây trời, cây cối, sóng biển... bằng toán học.

Pythagoras cũng nhận thấy toán học là độc lập với thế giới có thể quan sát – thế

giới dựa trên kinh nghiệm. Ta không thể nhìn thấy tính tam giác hay con số 48 hiện thực.

Toán học là thuần túy và vô nhiễm. Nghiên cứu toán học giúp ta thoát khỏi sự thiếu nhất

quán của thế giới vật chất. Với trường phái này, các con số là phổ quát, không thể biến

chất và vĩnh viễn đúng; chân lý của chúng chỉ có thể được phát lộ thông qua lý tính17.

Ngoài ra trường phái này còn đem lòng sùng kính các con số, và đã khoác cho các con số

tính chất tôn giáo mang tính huyền bí.

Trong khi đó, Heraclitus lại quan niệm vũ trụ này luôn thay đổi. Biến dịch là

nguyên nhân của vạn vật. Mọi sự vật đều biến động như một dòng sông. “Không ai tắm

hai lần trong một dòng sông”18. Tất cả đều luôn luôn thay đổi.

Tóm lại, cách giải đáp về vũ trụ vạn vật của các triết gia thời này rất bạo dạn và

độc đáo. Nhưng xét cho cùng những suy tư đó vẫn đang nằm trong khuôn khổ tâm thức

dân tộc, niềm tin tôn giáo, phong tục, tập quán.... Chính vì thế, những giải đáp về vũ trụ

của họ cũng không thể nào vượt ra khỏi tâm thức dân tộc mà chúng đã ăn sâu vào trong

tư tưởng của họ. Như thế, tri thức vẫn đang trong vòng luẩn quẩn chưa có lối thoát.

Sở dĩ những gì họ hiểu biết vẫn đang bị đóng khung trong vòng luẩn quẩn đó vì

con người không dễ dàng nắm bắt thực tại của vạn vật. Điều có vẻ dễ hiểu đối với con

người thời nay là vũ trụ thiên nhiên thì thật ra cũng không phải là đơn giản trừ khi ta đơn

giản hóa nó một cách thô bạo. Cũng thế, các triết gia buổi đầu đã mổ xẻ, phân tích và

tưởng chừng mình biết, nhưng thực chất đó chỉ là sự nhận thức lẻ tẻ, vụn vặt, rời rạc nên

những giải đáp đó không thể thỏa mãn khát vọng hiểu biết sâu xa của con người.

17 X. Dave Robinson và Judy Groves. Nhập Môn Plato, dịch giả, Trần Tiến Cao Đăng, Bùi Văn Nam Sơn, Nxb. Trẻ, tr. 18-19. 18 X. Nguyễn Trọng Viễn, Lịch Sử Triết Học Tây Phương, tr. 39.

Page | 21

Nhìn chung, các nhà vũ trụ luận buổi đầu tìm cách giải thích các hiện tượng trong

thiên nhiên, trong trời đất bằng lý trý của mình. Thực sự họ đã bước một bước mạo hiểm

đó là đi từ thế giới đời thường vào thế giới huyền bí. Các nhà Vũ trụ luận buổi đầu đã có

ý thức vượt lên chính mình để khám phá thế giới siêu vượt, thế giới của các thần minh.

Mặt khác, khi nói về thực tại vũ trụ họ cũng bất đồng quan điểm với nhau. Với việc cậy

vào lý trí để truy tìm tri thức bên ngoài bản thân như các nhà Vũ trụ luận chủ trương thực

tế đã rơi vào những nẻo đường bế tắc cho con người; nó không những không quan tâm

đến việc con người phải sống đức hạnh thế nào mà ngay cả mặt tri thức họ cũng không

thể thỏa mãn khát vọng hiểu biết của con người. Trước những điểm yếu đó các nhà Ngụy

biện xuất hiện và không ngừng chỉ trích.

2. Nhóm ngụy biện

Nhìn chung, hầu hết các nhà Ngụy biện đều không tán thành với nhóm Vũ trụ luận

về cách thức họ giải thích các sự vật và hiện tượng trong vũ trụ. Họ không thành công

trong việc đạt tới một quan niệm đồng nhất nào về vũ trụ. Họ đã đưa ra những lối giải

thích thiếu nhất quán về tự nhiên, và hình như không có cách nào dung hòa những lối giải

thích đó19. Ví dụ: Heraclitus nói: “tự nhiên luôn thay đổi”; trong khi đó, Parmenides có

quan điểm ngược lại khi nói rằng: “tất cả đều bất di bất dịch”.

Sự bất đồng cơ bản này đã tạo nên một não trạng hoài nghi về tri thức con người

và về khả năng khám phá chân lý của các triết gia tiền Socrates. Từ đó nhóm Ngụy biện

quay về với con người nhằm khám tìm kiếm tri thức mà họ cho là thực tế hơn, thiết thực

và hữu ích cho đời sống con người.

Phải nói rằng, các nhà Ngụy biện trước hết là những con người thực tiễn. Họ đi

nhiều nơi để giảng dạy. Chính vì thế, họ nắm bắt được nhiều thông tin, nhiều phong tục

tập quán khác nhau, quan niệm xã hội khác nhau, nhiều tôn giáo và đặc biệt là các chuẩn

mực đạo đức và lề lối cũng có sự khác nhau.

19 X. Samuel Enoch Stumpf, Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề, Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy, Nxb Lao Động, 2004, tr. 31.

Page | 22

Qua đó, họ buộc người Athens có suy tư phải trả lời các câu hỏi là, phải chăng nền

văn hóa Hi Lạp dựa trên những quy luật do con người đặt ra, hay dựa trên tự nhiên, phải

chăng những bộ luật tôn giáo và đạo đức của họ là những quy ước, và vì thế có thể thay

đổi hay chúng là những quy luật tự nhiên, và vì thế chúng cố định. Các nhà Ngụy biện đã

dựng diễn đàn cho một suy tư có cân nhắc cẩn thận về tri thức và đức hạnh của con

người20.

Đối với các nhà Ngụy biện tri thức của họ được liệt kê vào loại mètis – cái để diễn

tả trí khôn tinh xảo của con người. Họ coi đây là loại tri thức thực tiễn được ứng dụng

vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Với họ tri thức không chỉ là những hiểu

biết thông thường mà bao hàm tất cả mọi kỹ thuật từ lời nói, cử chỉ, thái độ, nét mặt, kinh

nghiệm... Họ cố gắng tận dụng tất cả mọi khả năng và kỹ năng có thể để thuyết phục

người khác tin theo. Chính vì thế, thái độ của họ trong các lĩnh vực triết học và tôn giáo

lại càng gây công phẫn cho người khác vì nhận thấy có nhiều học thuyết khiếm khuyết,

họ không ngần ngại nhấn mạnh đến những điểm mâu thuẫn của các triết gia đương thời

một cách quá trớn và vội vàng kết luận rằng: những cố gắng tìm kiếm tri thức của nhóm

Vũ trụ luận không đi đến đâu, không có tính thực tiễn. Đó là một thái độ hoài nghi rõ

rệt21.

Các triết gia có khát vọng truy tìm tri thức, thao thức tìm kiếm chân lý thực sự hầu

hết bác bỏ sự khôn ngoan thông thái theo kiểu mètis. Họ chỉ thực sự trung thành với khôn

ngoan sophia – nó không ảo ảnh, không lừa bịp, nhưng dựa trên chân lý khoa học chắc

chắn. Trái lại, khôn ngoan mètis chỉ được áp dụng trong cuộc sống đa tạp nhưng lại bị

loại bỏ trong triết học đích thực. Nhiều triết gia cho rằng tri thức mètis vẫn chưa đi vào

chân lý, nó vẫn nằm ngoài sự khôn ngoan sophia.

Mặt khác, nếu nghệ thuật tu từ dùng để thuyết phục kẻ khác nhằm mục đích truy

tìm chân lý thì không có lý do để chống lại các nhà Ngụy biện. Nhưng vấn đề bị kết án là

họ coi chân lý là sự bịa đặt của một số người nào đó. Ví dụ Thrasymacchus nói rằng: 20 X. Ibid., tr. 22. 21X. Nguyễn Trọng Viễn, Lịch Sử Triết Học Tây Phương, Thời thượng cổ, tr. 116 –118.

Page | 23

“chân lý thuộc về kẻ mạnh”, hoặc họ coi chân lý chỉ mang tính chất tương đối, nghĩa là

nó luôn có mặt nên người ta có thể nói thế nào cũng được. Như vậy hệ lụy cho lý thuyết

này sẽ làm hư hỏng thanh niên, vì một vấn đề luôn mang hai mặt nên họ có thể đổi đen

thành trắng, Ngụy biện cho kẻ trọng tội trở thành vô tội, hay biến sự bất công trở thành

hợp pháp. Đây là vấn đề bị Socrates kịch liệt lên án. Chúng ta sẽ quay lại vấn đề này ở

chương tiếp theo.

Một điểm khác đáng phê bình ở nhóm Ngụy biện là dường như những cố gắng tìm

kiếm tri thức của họ chỉ nhằm mục đích dạy lại cho giới trẻ để thâu lợi nhuận. Chính vì

thế, họ bị Platon nặng lời chỉ trích: “các nhà Ngụy biện là thợ săn để nhận lương bổng từ

nhà giàu” hay “Ngụy biện là thương gia đưa tri thức linh hồn ra bán”22. Bên cạnh đó, một

số triết gia đương thời xếp ông vào hàng ngũ của các triết gia phá hoại chân lý vì chính

thuyết tương đối của ông – tất cả đều mọi sự đều tương đối.

Protagoras chủ trương đồng nhất với cảm giác, ông cho rằng: “con người là thước

đo của vạn vật, chỉ duy con người có quyền quyết định điều gì có là có, điều gì không là

không”23. Rõ ràng khi nói con người là thước đo của mọi sự thì cũng bao hàm tri thức

của một người có thể đạt được bị giới hạn trong khả năng con người của họ. Về vấn đề tri

thức ông kết luận tri thức tương đối theo mỗi người. Đồng thời, ông cũng gạt bỏ mọi

quan niệm về thần thánh. Ông cho rằng: “Về các thần tôi không biết họ tồn tại hay

không, cũng không biết hình dáng họ thế nào; vì có nhiều yếu tố ngăn cản tri thức của

con người”24. Với ông, có lẽ thần thánh cũng do ý niệm của con người tạo ra. Đây là một

mệnh đề quá táo bạo và cũng hàm hồ.

Một gương mặt khác nổi danh trong nhóm Ngụy biện là Giorgias. Ông có một

quan điểm cực đoan về chân lý đến độ đã từ bỏ triết học để quay sang giảng dạy tu từ

học. Quan niệm cực đoan của ông ở chỗ, trong khi Protagoras nói rằng mọi sự đều là

chân lý, rằng chân lý thì đúng tùy theo từng người và từng hoàn cảnh, thì Giorgias phủ 22 X. Nguyễn Trọng Viễn, Lịch Sử Triết Học Tây Phương, tr. 179. 23 X. Ibid., tr. 123. 24 Samuel Enoch Stumpf, Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề, Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy, Nxb Lao Động, 2004, tr. 33.

Page | 24

nhận mọi chân lý. Ông lý luận rằng: “Không có gì hiện hữu. Nếu có gì hiện hữu thì cũng

không thể hiểu được. Cho dù có thể hiều được cũng không thể truyền đạt được.”

Tuy vậy, thiết nghĩ công bằng hơn ta nên lật lại vấn đề để xem xét một số công

trạng mà các nhà Ngụy biện đóng góp cho xã hội nói chung và cho triết học nói riêng.

Nhìn chung, khuynh hướng truy tìm chân lý của các triết gia buổi đầu tập trung vào thiên nhiên; các nhà Ngụy biện và Socrates chuyển mối quan tâm triết học sang lĩnh vực con người. Thay vì hỏi những câu hỏi lớn về nguyên lý cuối cùng của sự vật trong vũ trụ, triết học giờ đây quan tâm tới những vấn đề liên quan trực tiếp tới hành vi con người. Mặt khác, có thể nói rằng thái độ hoài nghi là phương pháp của các nhà Ngụy biện. Nhưng chính não trạng hoài nghi này đã tạo động lực cho triết học có một hướng đi mới, vì chính chủ nghĩa hoài nghi đã trở thành chủ đề của một sự quan tâm nghiêm túc của các triết gia trên con đường truy tìm chân lý.

Ban đầu, các nhà Ngụy biện rất có danh tiếng. Họ góp phần đào tạo giới trẻ biết trình bày ý niệm của mình một cách mạch lạc và thuyết phục. Với bối cảnh chính trị xã hội của Athens lúc bấy giờ thì khả năng hùng biện tốt là rất cần thiết trong các cuộc đại hội để thuyết phục người khác. Khả năng ăn nói lưu loát thuyết phục giúp người ta có nhiều cơ hội để thăng tiến bản thân trong xã hội lúc bấy giờ.

Các nhà Ngụy biện cũng có công khi lôi kéo những người đương thời chú tâm đến con người và những vấn đề nhân sinh. Nhưng xem ra chính họ cũng chẳng ý thức về công trạng đó. Thực ra những tiến bộ trong suy tư triết học họ có được là do những phản ứng trước lập trường của họ. Tới đây bầu trời triết học cổ Hy Lạp đã le lói mầu hồng của hừng đông nhưng vẫn còn tăm tối, mãi cho tới Socrates, vấn đề đạo đức nhân sinh sẽ được bừng sáng. Và từ đây triết học chuyển sang một thời kỳ mới, thời kỳ con người được đề cao và con người trở thành chính đối tượng của triết học.

Page | 25

Chương IV

Socrates, Con Người Tri Thức Và Đức Hạnh

1. Sơ lược tiểu sử Socrates25

Socrates sinh vào khoảng năm 470 B.C, ở ngoại ô thành Athens. Thân phụ là

Sophronisque làm nghề điêu khắc, thân mẫu là bà Phénarete làm nghề sản phụ. Socrates

có vợ và ba người con. Ông sống nghèo, thanh bạch, giản dị, không ham mê chức quyền

lợi lộc.

Socrates có một khuôn mặt xấu xí, đầu hói, trán nhô, mũi tẹt, thân hình nhỏ, bụng

to. Đây là điều làm cho người dân Athens luôn thắc mắc, tại sao một người xấu xí vẻ bề

ngoài như ông mà lại có một tâm hồn cao đẹp được? Vì theo quan niệm người Hy Lạp,

nét đẹp bên ngoài là những yếu tố bộc lộ cái đẹp trong tâm hồn. Ở điểm này Socrates

không bằng học trò của mình là Platon vì ông này cao lớn và có thân hình lý tưởng hơn

Socrates.

Giống như tiên tri Hôsê trong Kinh Thánh Cựu Ước cưới phải bà vợ bất trung.

Socrates cũng có vợ rất khó tính, nổi tiếng là gắt gỏng nhưng ông vẫn kiên nhẫn chịu

đựng và trung thành với vợ. Ông còn lạc quan biện minh rằng: “nếu lấy vợ hiền thì được

25 X. Nguyễn Trọng Viễn, Lịch Sử Triết Học Tây Phương, tr. 142.

Page | 26

hạnh phúc, còn lấy phải vợ khó tính thì dễ trở thành triết gia”26. Điều đó đã ứng nghiệm

cho chính thân phận của ông.

Lối giáo dục của Socrates giống như các nhà truyền giáo thời Trung cổ, không có

trường lớp quy củ mà lớp học là đường phố, sân vận động, xó chợ.... Hàng ngày ông ra

những nơi đó gặp ai ông cũng bắt chuyện, đặt vấn đề, suy tư thắc mắc giúp họ tìm ra chân

lý và lẽ sống. Tuy có thân hình xấu xí nhỏ bé nhưng ông lại có một sức cuốn hút lạ

thường đặc biệt là thu hút sự chú ý của giới thanh thiếu niên thời đó. Ngoài ra, Socrates

sống đời sống tôn giáo gương mẫu, ông luôn giữ những tục lệ trong dân, dâng cúng thần

thánh, tôn kính tổ tiên.

Có lẽ, cũng như các thánh tử đạo của Kitô giáo, cái chết của Socrates là do ảnh

hưởng thời cuộc của xã hội tạo nên. Một xã hội bị dằng co giữa quyền lực và chân lý sự

sống. Song Socrates bị tố cáo vì ba tội. (1) Không tin tưởng vào tôn giáo của thành bang.

(2) Tuyên truyền việc sùng bái những vị thần mới. (3) Làm hư hỏng thanh niên.

Với những tội này ông bị kết án tử hình và phải uống thuốc độc sau khi thi hành

án. Bạn bè tìm cách để ông có thể trốn thoát nhưng ông từ chối vì phải giữ luật quốc gia

và không muốn làm gương xấu cho thanh niên vì nếu lời ông giảng dạy không đi đôi với

hành động thì giới trẻ sẽ mất niềm tin vào công lý.

Tuy nhiên, cũng chính vì cá tính và sự tự hào triết lý mà ông phải đánh đổi bằng

cả mạng sống mình. Ông có thể được cứu nhưng chính ông lại từ chối. Tuy nhiên

Socrates đã trở thành người bất tử qua những dòng tư tưởng triết lý ông để lại cho đời

sau, đặc biệt cái chết của ông là lời chứng sống động cho những chân lý đó.

2. Tri thức theo Socrates

Khởi đi từ những khám phá trái ngược nhau của các nhà Vũ trụ luận trong lối giải

thích nguyên lý tối hậu của vũ trụ, Socrates và các nhà Ngụy biện xoay chiều triết học 26X. Ibid. tr.

Page | 27

quan tâm trực tiếp đến tri thức con người. Các nhà Ngụy biện hoài nghi về khả năng con

người có thể đạt đến tri thức đáng tin cậy. Họ táo bạo kết luận rằng mọi tri thức của con

người chỉ là tương đối. Trái lại, Socrates cho rằng con người có thể đạt được tri thức đáng

tin cậy. Nền tảng vững chắc để xây dựng tri thức không phải ở bên ngoài mà ở ngay bên

trong con người. Ông cho rằng, đời sống nội tâm là trung tâm sinh hoạt tri thức, từ sinh

hoạt này dẫn đến hành động thực tiễn.

Để mô tả sinh hoạt tri thức, Socrates đã tạo ra khái niệm về hồn – Psyche . Hồn là

khả năng của trí thông minh và tính khí; nó là tính cách có ý thức của một con người.

Ông nói chi tiết hơn về hồn như sau: “cái ở trong chúng ta mà nhờ đó chúng ta được xem

là người khôn hay dại, tốt hay xấu”27.

Socrates tin rằng người ta có thể đạt được tri thức chắc chắn và đáng tin cậy. Tuy

nhiên, muốn đạt được tri thức này trước hết là phải làm sáng tỏ chính mình. Để làm sáng

tỏ một vấn đề thì việc đầu tiên là nêu lên các câu hỏi có phương pháp về vấn đề đó.

Phương pháp mà ông sử dụng được gọi là hộ sản trí tuệ, một phương pháp biện chứng.

Nhờ việc đặt câu hỏi xoay quanh vấn đề tranh luận mà những người tham gia có thể hiểu

rõ hơn vấn đề đó và làm sáng tỏ ý niệm của mình.

Điểm đến của các cuộc đối thoại với Socrates thường rơi vào sự bế tắc. Nói cách

khác, người đối thoại với Socrates đã khám phá ra tính chất vô bổ của những tri thức mà

họ đang có. Mớ kiến thức mà họ tự hào sẽ chẳng ăn thua gì trước những chất vấn của

Socrates. Như thế, người đối thoại cũng đồng thời nhận ra rằng mình dốt nát, nhận ra sự

thật về chính bản thân mình. Từ vấn đề đối thoại bây giờ người đối thoại đã chuyển vấn

đề đó sang chính bản thân mình – nhận biết mình. Một số người vì ganh tức vì không tìm

đâu được điểm sai hay không có khả năng biện luận cho mình cho bằng Socrates nên đã

có những phản ứng chống lại Socrates, nhưng rồi cũng chịu thua vì không lấy đâu lý do

để bắt bẻ Socrates. Một trong những phản ứng thời danh là của Hippias sau đây đối với

27 X. Samuel Enoch Stumpf, Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề, Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy, Nxb Lao Động, 2004, tr. 37.

Page | 28

Socrates. Hippias nói: “Ông,(Socrates) chỉ muốn xâu xé người khác bằng những câu hỏi

và đẩy họ vào chân tường. Còn ông không bao giờ ông cho ai là có lý cả, cũng không

bao giờ cho ý kiến của ông. Tôi không muốn bị ông chọc tức như thế nữa” (Xénophon)28.

Như vậy, Socrates dẫn đưa những người đàm thoại tới chỗ tự kiểm điểm bản thân,

ý thức về chính bản thân mình. Người đối thoại chẳng biết do đâu và vì sao mình sống và

hành động. Người đối thoại nhận ra được những mâu thuẫn trong lời lẽ của mình và đó

cũng chính là mâu thuẫn trong chính nội tâm của họ. Như thế, họ hoài nghi về chính họ

dẫn đến việc họ bắt đầu biết rằng họ không biết gì cả. Chính đây là thái độ cần thiết giúp

người ta đạt được những tri thức chắc chắn hơn trong tiến trình truy tìm chân lý.

Ông cho rằng nhờ sửa sai dần dần các khái niệm không đầy đủ hay thiếu chính

xác, người ta có thể dẫn dụ được sự thật từ một người nào đó. Công việc này được dựa

trên cơ cấu vĩnh hằng của linh hồn. Chính nhờ cơ cấu vĩnh hằng này mà người ta có khả

năng biết và phát hiện những mâu thuẫn tiềm tàng trong chính con người của họ. Đó cũng

chính là cái biết theo cách nhìn của Socrates. Ông còn cho rằng vấn đề đích thực không

phải là biết điều này điều kia nhưng là biết hiện hữu thế nào, biết sống thế nào.

“Tôi chẳng màng chi tới những điều mà đại đa số dân chúng không ngừng lo toan,

những vụ việc tiền bạc, quản trị tài sản, việc đảm trách chiến lược, những thành

quả diễn thuyết nơi công cộng, áo mũ cân đai, những khối liên minh, những đảng

phái chính trị. Tôi đã không dấn thân vào con đường ấy (...) nhưng vào con đường

mà, đối với từng người một trong quý vị, tôi sẽ mang lại phần phúc lợi tối đa bằng

cách cố gắng khuyến dụ từng người một để mỗi người không lo biết điều này việc

kia cho bằng lo sống và hiện hữu sao cho ngày một hoàn hảo hơn, ngày một hợp

lý hơn trong mức độ có thể”29.

28 X. Lê Tôn Nghiêm, Socrates, Ca dao, tr. 31. 29 Apologie, 36c.

Page | 29

Lời ông mời gọi sống và hiện hữu, Socrates không chỉ rao truyền bằng những lời

chất vấn, bằng thái độ mỉa mai châm biếm, nhưng còn bằng những phong cách, bằng

chính con người của ông nữa.

Đối với Socrates, kiến thức hay những hiểu biết không phải là một khối mệnh đề hay công thức đã thành khuôn đâu vào đó để rồi người ta mặc sức viết ra, truyền đạt, đem bán. Ngay từ đầu tác phẩm bữa tiệc chúng ta thấy rằng suy niệm, để bắt trí óc phải tập trung vào chính bản thân mình. Sau khi vào nhà Agathon năn nỉ được ngồi bên cạnh Socrates để, theo lời Agathon: “ Nhờ chạm sát vào bác, tôi may ra được hưởng nhờ phần nào những khám phá khôn ngoan.” Socrates trả lời “nếu như kiến thức là cái gì đó đầy tràn hơn và do đó có thể chảy vào một cái gì đó hao vơi hơn thì quả là hạnh phúc biết mấy”30.

Câu trả lời của Socrates ngụ ý rằng kiến thức hay sự hiểu biết không phải là một

đồ vật đã được chế tạo, những gì đã được tích lũy hẳn hoi, khả dĩ truyền đạt được bằng

sách vở hoặc bằng bất cứ lời lẽ nào. Về mặt tri thức, ông khẳng định điều mình biết duy

nhất “tôi biết tôi không biết gì cả”. Như vậy, cách gián tiếp ông đã từ chối quan niệm cổ

truyền về kiến thức và sự hiểu biết. Phương pháp triết học của ông do đó sẽ không nhắm

truyền đạt kiến thức. Theo Socrates, không có vấn đề chờ để nhận kiến thức và chân lý

như thể đó là những món ăn nấu sẵn, kiến thức và chân lý cần phải được cá nhân tự mình

sản sinh ra31.

Socrates khẳng định rằng, trong vấn đề truy tìm tri thức ông chỉ là người hộ sản.

Như thế, hình ảnh “cưu mang và sinh hạ” giúp chúng ta hiểu rằng tri thức là những gì

chất chứa trong chính tâm hồn mà từng cá nhân có bổn phận khám phá ra, sau khi nhờ

người hộ sản giúp nhận ra sự trống rỗng của cái mà mình ngỡ là kiến thức. Nhưng vấn đề

được đặt ra, làm sao chúng ta có thể có được tri thức trong thâm tâm mỗi người chúng ta,

và làm sao biết được nguồn tri thức đó là chắc chắn? Ngang qua Plato, chúng ta có thể

hiểu được vấn đề; Plato cũng diễn tả cùng một ý tưởng này nhưng dưới dạng huyền thoại,

bằng cách cho rằng mọi nhận thức đều là một cuộc hồi tưởng của linh hồn về một thị kiến

30 Paul Vicaire, Platon Le Banquet, dịch giả, Đậu Văn Hồng, Nxb, Les belles Lettres, 1995, tr. 10. 31 X. Đậu Văn Hồng, Triết Sử Tây Phương Thời Thượng Cổ, 2004, tr. 35.

Page | 30

mà linh hồn đã có được trong kiếp trước, vì thế cần phải luyện tập để có thể hồi tưởng, tự

mình nhớ lại. Đó là nền tảng tri thức vững chắc của mỗi người chúng ta. Tri thức đó khởi

đi từ linh hồn bất tử.

Đối với Socrates, những vấn đề ông quan tâm và được đề cập đến rất nhiều trong

các cuộc đối thoại đó là: đạo đức, công bằng, cái đẹp, cái thiện.... Nhìn chung, các vấn đề

ông truy vấn tập trung xoay quanh nhân bản của con người. Tri thức liên quan đến đạo

đức và nhân bản - “tri thức là đức hạnh”. Có thể nói rằng, đây là chủ đề xuyên suốt trong

mọi tác phẩm viết về Socrates.

Tuy nhiên, trước khi đào sâu tìm hiều vấn đề tri thức gắn liền với đức hạnh chúng

ta điểm qua một số lĩnh vực khác để thấy được lập trường triết học của Socrates.

a. Vũ trụ quan

Đối với Socrates, ông không đưa ra quan điểm riêng về vũ trụ mà phản bác nhà Vũ

trụ luận. Dù rằng các triết gia trước ông có công khai mở con đường triết học; tuy vậy,

Socrates cho rằng đó mới chỉ là những ý tưởng, trực giác gợi ý mà chưa thể đáp ứng

những thắc mắc của con người. Với ông, những vấn đề liên quan đến con người và nhiệm

vụ của con người sống trong vũ trụ phải được ưu tiên hàng đầu trong suy tư triết học.

Nghiên cứu vũ trụ ngoại tại chỉ là những lối suy luận xa lạ đối với con người. Qua đó,

ông chỉ ra những khuyết điểm của các triết gia đi trước như sau.

Ông cho rằng việc con người dùng lý trí để truy tìm căn nguyên vũ trụ vạn vật là

không thể. Vì đây là lĩnh vực xem ra vượt trên nhận thức của con người. Hơn nữa, việc

suy tư triết học theo khuynh hướng ngoại thì không hữu ích cho đời sống con người nhất

là ở khía cạnh đạo đức. Với ông, vũ trụ vạn vật chứa đựng nhiều điều huyền bí. Thế giới

huyền bí đó được các Thần dựng nên; các Thần đã giấu kín nó nên việc con người cất

công khám phá là việc làm bất tín và phạm thượng32.

32 X. Nguyễn Trọng Viễn, Lịch Sử Triết Học Phương Tây, tr. 144.

Page | 31

Socrates cho rằng khám phá vũ trụ là đụng đến công việc của Thần thánh. Con

người không thể khai thác, tìm tòi những gì Thần thánh đã tạo dựng và an bài. Quan điểm

này giống với chủ trương của một vài tôn giáo; tuy vậy, trong bài này người viết không

muốn mổ xẻ để tìm hiểu đúng sai, nhưng qua quan điểm này ta nhận ra rằng Socrates là

người có lòng tôn kính Thần thánh một cách đặc biệt. Ông chủ trương rằng: “loài người

không thể khám phá được các bí mật ấy và nếu người ta dò xét những bí hiểm mà thần

thánh không hạ cố làm tỏ rạng cho chúng ta, thì người ta sẽ làm thất ý các thần thánh”33.

Trở về với chính mình để thấy rằng lý trí hướng dẫn con người bằng hành vi tốt đẹp. Để

hiểu biết, con người cần phải học và bắt đầu từ chính thái độ không biết. Socrates trải qua

nhiều kinh nghiệm suy tư để cuối cùng thốt lên một lời khiêm tốn “tôi biết, tôi không biết

gì cả”.

Theo quan điểm của Socrates về mặt tri thức, ông cho rằng thiên hạ có ba hạng

người. Hạng người dốt mà không biết mình dốt. Hạng người dốt mà biết mình dốt. Cuối

cùng là dạng người biết mình biết. Một cách khiêm tốn ông tự xếp mình vào hạng người

thứ hai – người dốt mà biết mình dốt, để từ đó biết mình mà vươn lên. Thông thường,

người ta dốt mà không biết mình dốt lại còn sinh kiêu căng hoặc biết một mà tưởng biết

mười. Trái lại, Socrates ý thức về mình và luôn khiêm tốn; sự khiêm tốn của ông cũng

như quan niệm của Khổng Tử khi nói về cái biết: “biết thì nói là biết, không biết thì nói

là không biết, ấy là biết vậy”34. Cách nào đó có thể nói rằng, khởi đi từ chính sự khiêm

tốn mà các nhân đức luân lý trong con người Socrates có cơ hội triển nở.

b. Quan điểm của Socrates về luân lý

Cách chung, nhân đức chính là sự hoàn thiện của con người để đạt được hạnh

phúc – cứu cánh đời người. Socrates quan niệm rằng theo lý trí tự nhiên “không có người

nào cố ý hành động xấu”, trong con người đạo đức đã có sẵn. Điều này giống với tư

tưởng Mạnh Tử “nhân tri sơ tính bản thiện”. Còn đối với xã hội, đạo đức là một khoa

33X. Ibid., tr. 145. 34 X. Nguyễn Hiến Lê, Khổng Tử, Nxb Văn Hóa, 1992, tr.219.

Page | 32

học, khoa học của cái thiện giúp con người tìm đến hạnh phúc, tìm đến sự khôn ngoan

đích thực là chân, thiện, mỹ. Đạo đức trở thành khoa học để hoàn thiện phẩm chất con

người. Muốn hoàn thiện mình không có cách gì khác ngoài việc quay về với bản thân.

Cũng như quan điểm của Mạnh Tử cái thiện tiềm ẩn trong mỗi con người; chính vì vậy,

Socrates chủ trương trở về với chính mình để khám phá chân lý hiện diện trong đó.

Với quan niệm đó Socrates đã chọn câu châm ngôn được ghi trên cửa đền

Delphes: hãy biết mình làm hướng đi. Như thế, chính thái độ khước từ vũ trụ quan để

nhìn lại chính mình đã là một sự “biết” rồi. Ông đã trả lại Thượng Đế những gì thuộc về

thiên giới mà không phải bận tâm khai thác nữa. Như thế, hãy biết mình chính là ý tưởng

nền tảng và lập trường nhân bản của Socrates. Nó đã ảnh hưởng đến tất cả các tư tưởng

nhân sinh quan sau này. Đây quả thực là một dấu ấn, một bước ngoặt lớn trong lịch sử

triết học Tây phương.

Trong quá trình tìm về với chính mình để nhận biết mình Socrates đã thốt lên: “tôi

biết tôi không biết gì cả”. Đây chính là thái độ khiêm tốn của ông. Không biết gì không

có nghĩa là ngu dốt mà chính là cái “biết” của những con người khôn ngoan. “Biết” mình

không biết gì cũng có nghĩa là biết tất cả con người mình, nắm biết được mình là ai, và

như thế chỉ còn lại cái biết là mình phải hiểu, học hỏi.

Thông thường, cái nguy hiểm của tri thức ở chỗ người ta dốt chỉ vì người ta biết ít

hoặc chẳng biết gì mà cứ tưởng là mình biết. Vì thế, họ không chịu học hỏi, tìm hiểu vấn

đề đến nơi đến chốn. Trong khi đó, với Socrates, không biết gì cũng là một sự tín thác để

ông biết cậy dựa vào Thần Linh, dẫu rằng ông không chủ trương tìm hiểu về thế giới

Thần linh. Trong khi đó ở tại đền thờ Delphes khi Chaerophone xin lời Sấm để biết có

người nào hiện đang sống thông thái hơn Socrates không. Sấm trả lời rằng “không”. Từ

đó ông ý thức sứ vụ, ý thức con đường khai mở chân lý và truyền đạt sự khôn ngoan. Ông

cho rằng sở dĩ ông là người khôn ngoan thông thái nhất chính là vì thái độ không biết gì

của ông.

Page | 33

Ông cũng cho rằng: “Không ai cố tình hướng về cái xấu hoặc cái họ cho là xấu,

nhưng là đi tìm cái tốt. Khi người ta tưởng cái gì là xấu thì họ không hướng về nó và

không chọn nó một cách hữu ý” 35. Điều này cũng được chứng minh trong cuộc sống đời

thường. Không ai muốn mình hay con cái mình sinh ra trở thành người xấu. Có lẽ trên

đời không cha mẹ nào muốn con mình trở thành những người xấu xa đê tiện, trộm cắp,

nghiện ngập.... Ngay chính kẻ được coi là xấu nhất trên đời cũng luôn mong ước con

mình không đi theo vết chân của họ. Như thế, cái thiện từ lúc nào đó đã có sẵn trong

lương tâm con người và khi họ làm trái tiếng nói lương tâm là một điều chẳng ai muốn.

Trong thực tế những thói hư nết xấu của con người là do ảnh hưởng từ môi trường xã hội.

Hãy biết mình là trở về với chính mình để tìm gặp chân lý tiềm ẩn trong nội tâm

sâu thẳm của mình, chứ không phải quay về với mình để sống khép kín cô đơn. Tìm về

chính mình tưởng chừng như một sự trở về lẻ loi đơn phương nhưng qua con đường lẻ loi

đó con người có thể tìm thấy tất cả chân lý ẩn tàng trong đó. Một người tội lỗi biết ăn năn

sám hối trở về với con người thật của mình chính là trở về cội nguồn lương thiện của con

người. Khôn ngoan chính là kinh nghiệm trở về để biết mình là ai.

Biết mình là biết thân phận con người, yếu tính của mình. Biết mình là ai, từ đâu

tới và sẽ đi về đâu, mình sống trên trần gian này để làm gì. Vì có biết ta mới định hướng

cho mình một lối sống, lối đi chính xác, một đường hướng cụ thể dẫn dắt cuộc đời. Biết

mình là một sự khôn ngoan tri thức. Người khôn ngoan đích thực là người có khả năng tự

mình phản tỉnh. Vì vậy họ biết cách sống vượt lên trên mọi khó khăn gian khó, dư luận,

tội lỗi.... Họ sống nhưng không bị những áp lực bên ngoài chi phối, sống an vui, thanh

thản, không phụ thuộc hay sợ dư luận. Mặt khác, cái khổ của con người là không biết

mình có mặt để làm gì, sống cũng được mà không sống cũng được, hoặc tiêu cực hơn

chẳng muốn sống mà nhiều lúc muốn chết, muốn chết nhưng lại sợ chết. Biết bao nhiêu

giằng co mà con người khó chọn lựa dứt khoát giữa cuộc đời này. Sống mà không xác

định mục đích thì cuộc sống chỉ là bất hạnh. Và đó cũng chính là đau khổ của kiếp người.

35 X. Samuel Enoch Stumpf, Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề, Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy, Nxb Lao Động, 2004, tr. 37.

Page | 34

c. Quan điểm về thần linh

Ta biết rằng Socrates là triết gia hữu thần, vì thế ông luôn tin rằng có một vị thần

hộ mệnh, vị thần ấy biến đổi cuộc đời ông, giúp ông tránh được những chuyện sai lầm.

Thêm vào đó, ông cho rằng: “trong con người phần chính yếu và căn bản nhất là linh

hồn, mà linh hồn có bản chất linh thiêng giống thần minh và bất tử như họ. Vì vậy tác vụ

đặc biệt của linh hồn là suy lý như một lý trí”36.

Mặt khác, nếu như truyền thống Hy-lạp định nghĩa triết học là yêu mến sự thông

thái thì Socrates nhấn mạnh thêm triết học như yêu mến sự thông thái Thần Linh. Tri

thức có tính chất Thần Linh và chỉ có nó mới làm cho con người nên gần ngang bằng

Thần Linh. Ông tin ở một vị Thần hộ mệnh nên dễ dàng đón nhận những nghịch cảnh của

cuộc đời.

Hơn nữa, chính Thần thánh đã uỷ nhiệm cho ông một sứ mệnh quan tâm đến vấn

đề tri thức và đức hạnh của người dân Athens, giúp họ khám phá ra chân lý trong chính

con người của họ. Ý thức được sứ vụ đó ông đã hết lòng sống những gì ông giảng dạy và

giảng dạy những gì ông sống. Để làm chứng cho ngôn từ, ông can đảm đón nhận cái chết

như một anh hùng, một kẻ khôn ngoan. Với ông nguồn gốc của sự khôn ngoan không

xuất từ con người nhưng đến từ Thần thánh. Vậy đức khôn ngoan của ông không phải bởi

loài người mà là khôn ngoan do tin tưởng vào Thần thánh.

Như thế, xét theo lĩnh vực nào chăng nữa thì mọi khuynh hướng truy tìm tri thức

của Socrates luôn xoay quanh con người lấy nhân bản làm gốc và tri thức luôn hướng đến

hạnh phúc, hướng đến đức hạnh. Muốn sống tốt, sống đức hạnh thì phải có tri thức; vì

ông quan niệm rằng người ta không thể làm điều thiện nếu không biết điều thiện là gì.

Tương tự, nếu người ta biết được chân lý, thì đương nhiên người ta sẽ thi hành nó; đó là ý

nghĩa thực của câu nói: “ không ai cố ý làm điều xấu.”

36 X. Lê Tôn Nghiêm, Lịch Sử Triết Học Tây Phương II, Nxb, Tp. HCM, tr. 14.

Page | 35

Tóm lại, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về lập trường của Socrates theo tiến trình lý

luận sau: Con người muốn hạnh phúc. Hạnh phúc đích thực ở nơi đức hạnh. Muốn có đức

hạnh để được hạnh phúc cần phải có tri thức đúng đắn. Như thế, không ai cố tình làm

điều xấu vì không ai muốn tự mình đánh mất hạnh phúc của mình. Và vì đường lối đi tìm

đức hạnh nhất thiết bao gồm sự hiểu biết thế nào là hạnh phúc; nếu không biết rõ thế nào

là hạnh phúc người ta dễ rơi vào tình trạng nô lệ cho những thú vui vô bổ mà người ta

tưởng chừng đó là hạnh phúc. Sự nhầm tưởng này là vì thiếu tri thức đúng đắn thế nào là

hạnh phúc đích thực. Chính vì thế dẫn đến kết luận để sống tốt phải có tri thức, tri thức là

đức hạnh.

3. Đức hạnh theo Socrates

Socrates dường như thừa nhận rằng mọi người đều được phú bẩm lòng khao khát

điều thiện. Chính lòng khao khát này là lý do giải thích vai trò hộ sản của Socrates. Một

vai trò chỉ dừng lại ở chỗ khơi dậy thiện căn tiềm ẩn nơi mỗi người. Trên nguyên tắc đó,

chúng ta có thể hiểu được câu: “không ai độc ác một cách cố tình”, hoặc: “nhân đức

chính là tri thức”. Như thế, vai trò của Socrates là tạo cơ hội cho người đối thoại thể hiện

điều thiện nào là chân thật nhất tương ứng với giá trị nào là chính đáng nhất. Như thế, nơi

nền móng tri thức của Socrates có chất chứa lòng yêu mến điều thiện.

Theo Socrates, tri thức và đức hạnh là một. Nếu đức hạnh liên quan tới việc lo cho

linh hồn đến mức nhiều nhất có thể, thì điều cần thiết trước hết là phải biết cái gì làm cho

linh hồn trở nên tốt. Vì thế, cái thiện và tri thức có tương quan mật thiết với nhau. Không

những thế, Socrates còn đồng hóa tri thức với đức hạnh. Như thế, khi đồng hóa tri thức

với đức hạnh ông cũng muốn nói rằng thói xấu hay cái ác là vì thiếu vắng tri thức. Cách

thức lý luận này dẫn đến hệ quả rằng không ai làm điều ác một cách cố ý, người ta làm

điều xấu là do vô tình hay thiếu vắng tri thức.

Như thế, khi đồng hóa tri thức với đức hạnh, Socrates nghĩ tới một quan niệm cụ

thể về đức hạnh. Theo ông đức hạnh là việc hoàn thành chức năng của mình. Vậy con

người xét như một hữu thể có lý trí thì việc hoàn thành chức năng nghĩa là cư xử theo lý

Page | 36

trí. Đồng thời mọi người đều có khát vọng không thể chối cãi về hạnh phúc hay sự tốt

lành của linh hồn mình. Như thế, có thể nói, theo Socrates việc đạt đến đức hạnh là công

việc mà mỗi người phải làm cho linh hồn tốt đến mức nhiều nhất có thể. Chúng ta luôn

khát khao có được hạnh phúc. Vì thế, chúng ta chọn những hành vi mà chúng ta nghĩ

rằng chúng mang lại hạnh phúc cho ta. Tuy nhiên, những hành vi nào hay cách thức cư

xử nào mang lại hạnh phúc? Ông cho rằng một số hành vi có vẻ mang lại hạnh phúc,

nhưng thực tế lại không. Ví dụ, chúng ta theo đuổi của cải vật chất, quyền lực, thú vui thể

xác vì nghĩ rằng đó là nền tảng hạnh phúc, và chúng ta đã nhầm vì thực sự đó chỉ là

những biểu tượng hay bóng mờ của hạnh phúc mà thôi.

Mặt khác, hệ quả rút ra về sự đồng nhất thói xấu với sự ngu dốt không đến nỗi

mâu thuẫn với nhận thức thông thường, vì sự ngu dốt ở đây không nhằm ám chỉ đến hành

vi ngu dốt hay một người đần độn, mà là ám chỉ về khả năng nó mang lại hạnh phúc, về

cái nó cần để làm cho linh hồn đạt đến mức tốt nhất có thể. Vì thế hành động xấu là hệ

quả của sự đánh giá thiếu chính xác về những cách xử sự. Hành động xấu là sản phẩm

của sự ngu dốt đơn giản vì nó được làm với hy vọng sẽ làm được điều nó không thể làm.

Sự ngu dốt nằm ở chỗ không biết rằng một hành vi nào đó không thể tạo ra hạnh phúc.

Chúng ta phải có nhận thức đúng đắn về chính con người chúng ta để biết được điều gì

cần cho hạnh phúc của mình. Tóm lại, cần nhận thức đúng để có thể phân biệt giữa điều

có vẻ tạo ra hạnh phúc và điều thực sự tạo ra hạnh phúc.

Quả thật, không ai cố tình chọn cách làm thiệt hại hay phá hủy chính bản tính con

người của mình. Ngay cả khi con người muốn sự đau khổ thì họ cũng hy vọng sự đau khổ

sẽ dẫn đưa họ đi trên con đường đức hạnh, dẫn đến sự hoàn thiện bản thân mình vì bản

tính con người luôn đi tìm sự tốt lành cho chính mình. Thậm chí một người có ý định tự

tử thì họ cũng nghĩ rằng qua việc họ làm sẽ giúp họ vượt qua những đau khổ những rào

cản trong cuộc đời không còn lối thoát. Ở đây người viết không đề cập đến hành động

đúng hoặc sai nhưng muốn nói rằng mọi việc người ta làm đều muốn có được cái gì đó

tốt đẹp hơn.

Page | 37

Với Socrates, ông cho rằng người ta luôn nghĩ mình hành động đúng, nhưng các

hành động của họ có đúng thật hay không còn tùy theo chúng có hòa hợp với bản tính

đích thực của con người hay không, và đây là vấn đề nhận thức. Hơn nữa, vì Socrates tin

rằng cơ cấu nền tảng của bản tính con người là vĩnh hằng. Có thể xuất phát từ nền tảng

này mà con người có được tri thức chắc chắn. Đây cũng là cơ sở để ông chiến thắng chủ

nghĩa hoài nghi của các nhà Ngụy biện.

Đó là những tư tưởng chủ đạo về đức hạnh theo quan niệm của Socrates. Tuy

nhiên, để nắm bắt rõ hơn về vấn đề đức hạnh người viết xin đi sâu vào các khía cạnh

nhân bản khác nhau ngang qua cách thức thực hành của Socrates.

Các khía cạnh nhân bản của Sorates

Có thể nói rằng, sự khôn ngoan triết học chính là mực thước luân lý để con người

sống hạnh phúc. Đối với Socrates thì “đức hạnh chính là khoa học”, khoa học về cái

thiện, tri thức về nhân đức. Cho dù cái khoa học của Socrates mang nặng tính duy tâm

nhưng không vì thế mà nó chỉ thuần tuý những điều ảo tưởng nhưng là con đường triết lý

tư duy đầy tính khoa học. Khôn ngoan là đức hạnh bao gồm tất cả các nhân đức, khôn

ngoan đưa đến hạnh phúc và những phương tiện để đạt được hạnh phúc. Bên cạnh sự

khôn ngoan Socrates còn biết đến như một mẫu người sống mẫu mực và tiết độ.

Cũng như các nhà hiền triết Đông Phương, cái tiết độ của Socrates là một nghệ

thuật chứ không phải một cái ách ràng buộc nặng nề. Con người thường bị lôi cuốn bởi

những ham muốn vô tận, chúng ta đi từ ham muốn này đến ham muốn khác mà không

bao giờ thoả mãn, không bao giờ đủ. Ước muốn của con người như chiếc thùng không

đáy biết bao nhiêu cho vừa. Mà muốn vừa thì chỉ có đức tiết độ là đáy ngăn giữ sức chứa

ham muốn ở một mức độ nào. Một người biết tiết độ làm chủ ham muốn thì họ cảm thấy

hạnh phúc vì những thứ họ có, họ đón nhận như là vật qúy và như vậy là đủ. Cuộc sống

con người nhu cầu là cần thiết, nhưng chỉ ở mức độ vừa và đủ. Nhu cầu không thể loại

trừ nhưng có thể điều hoà và tiết độ trong phạm vi cần thiết của con người. Nhờ các kỷ

luật và ý thức trưởng thành nhân bản để hạn chế hay giảm bớt những ham muốn tới mức

Page | 38

tối thiểu. Tiết độ chính là nghệ thuật để chỉ cần đến rất ít thứ. Nghệ thuật như một bức

tranh càng đơn giản càng dễ tìm thấy những nét độc đáo.“Cuộc sống con người như chiếc

đồng hồ, loại đơn giản là loại ít bị hư nhất”37.

Nghệ thuật để gìn giữ sức khoẻ, để có thể thưởng thức hết những nhu cầu một

cách thoả mãn. Đa số người ta đau khổ vì họ là nạn nhân của các ham muốn vô hạn từ

chính mình. Quan niệm về giàu nghèo, hạnh phúc và đau khổ thì mỗi người một tiêu

chuẩn. Tiết độ không phải là một hình thức khổ tu, ráng chịu mà phải tìm ra niềm vui

trong đó. Đói thì ăn thấy ngon, khát uống thấy no thoả. Cái ngon, cái no thoả là kết quả

của sự tiết độ ban đầu.

Socrates thấu hiểu tất cả mọi giá trị ẩn chứa sau lối sống tiết độ. Ông không chải

chuốt vẻ bề ngoài – đi chân trần, ăn mặc xuề xòa. Đó là những biểu hiện của một triết gia

sống quên mình vì chân lý, truy tìm chân lý một cách say sưa. Ông không bận tâm tới của

cải vật chất. Có lẽ không ai phủ nhận giá trị của vật chất vì nhờ nó mà chúng ta tồn tại.

Tuy nhiên, với Socrates, việc sống chừng mực tiết độ trong sinh hoạt thường ngày để lưu

tâm tìm kiếm chân lý được nhấn mạnh nhiều hơn. Việc sống tiết độ của Socrates cũng

được coi như một sự can đảm mà người đời sau cần noi gương.

Socrates không những có lối sống tiết độ mà còn là một triết gia đầy can đảm. Ông

là người coi thường cái chết nếu không muốn nói là còn vui khi nghĩ đến cái chết, một

tâm hồn lạc quan, cũng như cái lạc quan của tôn giáo. Đối với Socrates “cái chết không

có gì đáng sợ, linh hồn là bạn của các thực tại thường hằng bất biến, siêu việt. Chết là

trở về với thế giới vĩnh cửu chân thật, nơi đó con người phát xuất ra. Triết gia là người

sống mà như đã chết và làm triết lý là học cho biết chết đi”38.

Nếu chết là sự tiêu diệt ham muốn, là sự yên tĩnh vĩnh hằng tuyệt đối thì đó là điều

hay. Ở đời này mấy ai có được một lòng kiên nghị như Socrates, ai chẳng sợ chết. Hay

khi mang lấy thân xác yếu đuối ai cũng sợ mình phải chết, ai cũng lo mình phải chấm dứt

37 Danh Ngôn Thế Giới. 38 X. Các Triết Gia Suy Tư, Sách Tham Khảo, tr. 20.

Page | 39

trên cõi đời này. Thế nhưng đối với Socrates, chết là trở về với cái thế giới vĩnh cửu,

bước vào đời sống mới, gặp lại người thân, thật khó mà hiểu hết tinh thần lạc quan của

một triết gia. Tinh thần ấy chỉ tìm thấy nơi tư tưởng tôn giáo hay vì một lý tưởng siêu

việt nào khác mà con người có thể đón nhận cái chết một cách thanh thoát như vậy. Nếu

như tri thức và nhân đức là một thì ở đây tri thức triết học và niềm tin cùng một quan

điểm về cái chết. Đó là những quan niệm sống và suy tư triết học đầy can đảm.

Trong tác phẩm Apologie, khi gợi lại lời bắt bẻ của một số người rằng “ông không

xấu hổ về một cuộc sống đã đưa ông vào một mối hiểm họa phải chết ngày hôm nay

sao?” Socrates trả lời: “Thật là nói năng không phải lẽ nếu cứ tưởng tượng một con

người có giá trị, cho dầu ít ỏi, buộc phải tính toán những cơ may sinh tử, thay vì tìm cách

để ý xem, khi người ấy hoạt động, điều người ấy làm có ngay chính hay không, người ấy

xử sự tốt hay xấu”. Như vậy, trong bối cảnh này, thái độ sợ hãi trước cái chết xem ra là

thái độ của kẻ vô tri39.

Nếu can đảm là nhân đức đáng giá của con người thì thiết nghĩ nên tìm hiểu thêm

đôi điều về can đảm. Can đảm là đức hạnh khiến ta kiềm chế được những ham muốn cá

nhân, những dục vọng, tham lam vô lý. Can đảm là khép mình trong kỷ luật và tìm thấy

những niềm vui một cách lý thú. Kỷ luật giúp ta tự luyện tập để đạt được những nhân

đức, những thói quen ta cần đạt tới. Can đảm giúp ta vượt qua những khó khăn trắc trở

của cuộc sống, biết bình tĩnh giải quyết những khúc mắc bất ngờ trong đời sống thường

ngày. Can đảm không phải là hàm hồ liều lĩnh với thái độ “chết thì thôi” mà là sự hiểu

biết đối tượng, hiểu biết chính mình nhờ lý trí soi dẫn. Biết đối tượng để hiểu nó là nguy

hiểm hay an toàn. Một đứa trẻ dám đụng vào lửa mà không thấy sợ vì không biết đến hậu

quả sẽ xảy đến. Một người tâm thần dám uống thuốc độc mà không nghĩ mình có thể

chết, các bạn trẻ kích động đua xe không cần phanh..., thì đó không phải là can đảm. Can

đảm cần có sự hiểu biết của lý trí hiểu biết sáng suốt nếu không đó chỉ là sự hèn nhát

hoặc liều lĩnh.

39 X. Đậu Văn Hồng, Lịch Sử Triết Học Tây Phương Thời Thượng Cổ, 2004, tr. 43.

Page | 40

Quay lại vấn đề, từ cái chết của Socrates chúng ta thấy rất rõ sự can đảm phi

thường của một con người cả đời đấu tranh cho chính nghĩa. Ông bình tĩnh đón nhận cái

án tử bất công trước mặt đông đảo cử tọa thiên vị. Socrates đã uống cạn chén thuốc độc

mà tên nô lệ trao cho trước sự thương khóc của những bạn hữu và môn đệ chân thành. Đó

là một sự can đảm phi thường đáng trân trọng trong việc bảo vệ chân lý. Một mẫu người

sống điều mình nói và nói điều mình sống. Dám lấy mạng sống của chính mình làm minh

chứng cho sự thật.

Như thế, hơn ai hết, ông là người ý thức được giá trị của hành động luân lý và ý

hướng luân lý, vì những giá trị đó là do chính ông lựa chọn. Cũng như tri thức, cái nhân

đức theo tinh thần Socrates ở đây không phải là một mớ lý thuyết trừu tượng nhưng là

một thái độ dứt khoát, vững chắc trước một sự lựa chọn – chọn để được giải thoát khỏi

ngục tù hay chọn cái chết để bảo vệ lẽ phải. Cái biết ở đây không phải là biết suông mà là

biết ưu tiên lựa chọn, nghĩa là biết sống cho đúng nghĩa; và chỉ có tri thức thực sự nếu có

cuộc khám phá nội tâm cá nhân. Vận dụng tri thức khám phá nội tâm cá nhân sẽ nghe

được tiếng nói lương tâm ẩn tàng trong đó. Kẻ làm theo tiếng nói lương tâm một cách

ngay thẳng là kẻ sống đức hạnh. Như thế ta thấy rằng trên con đường nhận biết và thực

hành đức hạnh có sự chi phối của lý trí, của tri thức.

Ở khía cạnh khác, lòng nhân hậu cũng được thể hiện nơi Socrates một cách đáng

trân trọng. Điều này được chứng tỏ trước cái chết hiên ngang của ông mà chính viên cai

ngục đã thốt lên “trong số những người đến đây từ trước tới giờ, duy có ông là người cao

thượng nhất”40. Lòng cảm phục của viên cai ngục đối với ông được cụ thể hóa bằng

chính những dòng lệ mến thương trong khi thi hành bản án.

Socrates cũng là người nhiệt thành với sứ mệnh và sống thiết tha với sứ mệnh dìu

dắt thanh thiếu niên trên đường đạo lý. Sứ mệnh ấy chính ông đã đón nhận từ vị Thần,

khi thần Apollon cho biết “không ai khôn ngoan hơn Socrates” thì đây là biến cố vĩ đại

cho ông cảm thấy sâu xa sứ mệnh phải làm gì. Lời Sấm tư ấy đã lái cả cuộc đời ông theo

40 X. Đinh Văn Trung, Khổng Tử và Socrates, tr. 165.

Page | 41

một hướng đi mới, nó có một sức quyến rũ vô biên mà không bao giờ ông rời xa nó. Sứ

mệnh ông lãnh nhận có tính cách thánh thiêng vì đây là lời của thần phán với ông nơi đền

thờ.

Ý thức được sứ mệnh đó, ông không chỉ chăm lo cho bản thân mà còn chăm lo

cho những người khác. Ông cho rằng: “Nếu chỉ một thân một mình thì người ta không thể

sống công bằng và ngay chính, vì khi sống công chính một mình, người ta sẽ chẳng còn

gọi là công chính nữa”. Tất cả lẽ sống Socrates chính là chăm lo cho bản thân và cho

người khác. Như thế, ông như một sứ giả, như tiếng chuông phản tỉnh cho nhân loại,

nhưng chính ông cũng rất bình dân và thái độ cư xử cũng hết sức bình dị, không phân biệt

giàu nghèo sang hèn. Điều đó được ông khẳng định như sau:

“Tôi sẵn sàng tiếp cận người giàu cũng như người nghèo mà không phân biệt

(...) Tôi là một con người mà thần thánh trao tặng cho đô thị: Quý vị thử nghĩ

xem, nếu cứ dựa vào sức phàm hỏi có ai có thể xem thường hết mọi lợi lộc cá

nhân như tôi không?(...) Từ bao nhiêu năm rồi, tôi chỉ chăm lo cho quý vị, thúc

bách từng người trong quý vị sống tốt hơn”41.

Socrates trung thành với bản chất và mục tiêu chân lý của ngôn từ, ông cho rằng

ngôn từ là cái đối lập với bạo lực. Khi không trung thành với chính nó, ngôn từ thoái hóa

thành một thứ nghệ thuật hình thức, hùng biện, khoa trương hoặc biến chất thành một kỹ

thuật thuyết phục, một thứ vũ khí trong các quan hệ sức mạnh. Chính ông đã phải chịu

hậu quả và phải trả giá bằng mạng sống do những chứng gian của ngôn từ. Ngôn từ vu

khống có thể thuyết phục các thẩm phán, làm cho kẻ vô tội bị kết án và bị giết. Trước cái

chết nơi toà án, ông không xin tha và trở thành một anh hùng, một chứng nhân cho ngôn

từ. Giống như các ngôn sứ, các vị tử đạo cũng là những nhân chứng của ngôn từ, của

“lời” mà các ngài đã hy sinh tất cả để bảo vệ chân lý.

41 X. Apologie 32b.

Page | 42

Socrates và học trò Plato đều phản đối nhóm Ngụy biện vì khả năng ăn nói của

con người bị họ giản lược thành kỹ nghệ thuyết phục. Sự thật không phải là chân lý tự

thân mà chỉ là sáo ngữ trống rỗng hay thứ hùng biện mang tính kịch nghệ. Đối với

Socrates “lời” phải là cách biểu lộ sự thật. Ông chỉ ra cho học trò của mình là: “nói chẳng

qua chỉ là cách dùng ngôn ngữ”, và người nói với việc dùng ngôn ngữ không phải là một.

Cũng như người thợ gặt với cái liềm họ dùng không phải là một mà là hai. Đối với các

nhà Ngụy biện, chân lý của ngôn từ chỉ phụ thuộc vào truyền thống, phong tục tập quán,

thuần phong mỹ tục, sự khen chê mà thôi. Ngày nay, người ta đã quá ngán với những tư

duy hình thức như vậy. Liệu chân lý có phải là truyền thống tập quán, thuần phong mỹ

tục…? Điều này rất quan trọng trong việc giảng thuyết cũng như rao truyền bằng chữ

viết. Socrates và Plato cùng quan niệm, cái gì làm cho nó là chân lý phổ quát, đức hạnh

thì phải rõ ràng. Tại sao hành động đó là tốt là đúng? Cái giả hình của Ngụy biện mà

ngày nay vẫn có đó là: “Sống công chính nhưng có vẻ công chính thì tốt hơn là công

chính”. Socrates thì ngược lại: “Thà lộ ra là bất chính mà là công chính thì tốt hơn”. Cái

khôn ngoan của Tin Mừng cũng cho ta biết rõ điều này, nếu chỉ sống bề ngoài thì chẳng

khác nào “mồ mả tô vôi” còn sự thật thì ghê tởm.

Mặt khác, quan niệm của Socrates về giáo dục cũng được đặt nền như sau: sống là

thực hiện cái biết của mình. Lý thuyết ông truyền lại cho học trò chính là đời sống của

chính ông. Điều ông dạy không phải là mớ kiến thức suông mà chính cuộc đời là một

nhân chứng là chân lý cho lời dạy. Ông không giáo huấn để cầu lợi, không bán kiến thức

để tìm danh mà là ý thức nghĩa vụ ông đã lãnh nhận từ vị Thần. Socrates không giới hạn

việc giáo dục cho riêng hạng người nào mà là cho tất cả. Ông rất tôn trọng lý trí và tự do

cá nhân của học trò trong phương pháp giảng giải, bình đẳng trong giáo dục và khiêm tốn

truyền đạt. Tóm lại, hình thức giáo dục của ông không những được xã hội Cổ Đại đề cao

mà ngay cả trong thời đại chúng ta đang sống mô hình này vẫn luôn hợp thời và được

nhiều người ưa chuộng.

Chúng ta vừa điểm lại một số nhân đức nhân bản của Socrates. Có thể nói rằng

ông là người mẫu mực, một con người tài đức vẹn toàn, con người tri thức sống đức

Page | 43

hạnh. Ở mọi góc nhìn ta đều thấy Socrates như tấm gương cho học trò noi theo. Một cách

ví von ta có thể nói rằng nơi con người Socrates ta có thể nhìn thấy nhiều đức tính tốt đẹp

như viên kim cương nhiều góc cạnh mà mọi người từ nhiều góc nhìn khác nhau vẫn thấy

được vẻ đẹp lấp lánh huyền diệu đáng quý của nó. Với ông thì việc sống nhân bản luôn

được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, muốn sống nhân bản một cách trọn vẹn thì con

người phải có tri thức đúng đắn để hiểu thế nào là nhân bản và đâu là con đường để giúp

ta đạt được cái nhân bản đó. Vì lẽ đó ông đã đồng hóa tri thức với đức hạnh làm một.

Page | 44

Chương V

Mối Liên Hệ Giữa Tri Thức và Đức Hạnh

1. Socrates – Tri thức là đức hạnh42

Đức Giêsu dạy rằng: “anh em hãy khôn như con rắn và hiền lành như chim bồ câu”.

(Mt 10,16). Sự khôn ngoan và hiền lành phải hội đủ và cùng song hành với nhau; nếu

khôn ngoan chỉ mang tính lanh lợi thì chưa đủ, hoặc hiền lành mà ủ rũ mãi như bồ câu thì

cũng không nên. Đối với triết học Socrates, cái khôn ngoan chính là tri thức và đức hạnh.

Học thuyết này không chỉ là lý thuyết suông mà nhằm hoàn thiện chính đời sống thực của

con người. Khái niệm nhân đức là chính, còn cái biết chỉ để đi đến cái thực hiện nhân đức

mà thôi. “Không ai cố tình làm điều xấu nếu họ biết điều tốt”. Cái biết phải được thực

hiện chứ không phải biết chỉ để biết, hay để dạy người khác hoặc để khoe mình biết.

Mặt khác, có lẽ do ảnh hưởng của tôn giáo nên đối với Socrates “tri thức là cái gì

bẩm sinh trong linh hồn mà nhiệm vụ con người phải khai triển tri thức ấy”. Quan niệm

về tri thức của Socrates mang nặng tính duy tâm, đặt nền tảng mọi vấn đề trên quan niệm

về Thượng Đế. Tri thức không chỉ hướng về Thượng Đế mà hướng về chính cái tâm con

người. Cũng giống như triết lý Đông Phương, Socrates có cùng quan điểm “nhân tri sơ

tính bản thiện” (Mạnh Tử). Con người khi sinh ra đã hướng đến cái thiện, cái đức hạnh,

và như vậy chân lý sự thiện tiềm ẩn ở nơi mỗi người. Cái nghề dạy học của Socrates được

ông ví như người hộ sinh. Người hộ sinh thì không sinh nhưng giúp cho thai phụ sinh nở

an toàn. Người ta cũng thế, trên bước đường tìm kiếm sự khôn ngoan cần có sự trợ lực

của người thầy, người bạn để phá thủng bức màn ngu dốt che khuất chân lý bẩm sinh, và

khi đó cái thiện ắt sẽ hiện ra. Với ông, người thầy không phải dạy, hay đưa cho họ một lố

kiến thức mà giúp họ khai thác chân lý trong chính họ đó mới là điều cốt yếu của việc tìm

kiếm chân lý.

42 Trong phần này người viết tham khảo từ sách: Lịch Sử Triết Học Tây Phương II, của tác giả Lê Tôn Nghiêm.

Page | 45

Tri thức là đức hạnh cũng có nghĩa là không tri thức cái gì khác ngoài cái thiện vì

chính cái thiện sẽ đưa con người tới hạnh phúc. Tri thức của con người cũng là biết cái

thiện và làm điều thiện. Với Socrates “con người không thể làm điều thiện nếu họ không

biết cái thiện là gì”43. Đức hạnh là một hành động, nhưng chỉ hành động được khi tri

thức thấu suốt điều mình hành động44. Đức hạnh phải xuất phát từ hiểu biết, cái biết của

lý trí. Ông còn khẳng định thêm rằng: “tri thức cái thiện cấu tạo nên tất cả mọi nhân

đức”45. Đức hạnh cũng là sự hoàn thiện đời sống của con người mà họ cần đạt tớt. Tri

thức và đức hạnh là một, phải hiểu theo tính duy lý của Socrates, nghĩa là “người khôn

ngoan là người tri thức cái gì hợp lý và cũng hành động theo cái gì hợp lý”. Cái “khôn”

và “ngoan”, “tri” và “hành” phải là những chân lý hợp nhất, được lớn lên trong một con

người. Cái biết để sống là phục vụ lợi ích đích thực của con người. Sự hoàn thiện là

hướng đến cái thiện tiềm tàng trong tâm hồn mà tâm hồn đó được soi dẫn bởi lý trí, cái

thiện đó cũng là cái thiện của linh hồn, của Thượng Đế. Tri thức cái thiện cũng chính là

minh triết, như vậy tất cả mọi nhân đức đều giả thiết là minh triết. Copleston nói rằng:

“người khôn ngoan là người tri thức cái gì hợp lý và cũng hành động theo cái hợp lý

đó”46. Tri thức cái hợp lý và hành động cái hợp lý đây cũng chính là chủ trương của

Socrates “không ai cố tình làm điều ác nếu người ta hiểu biết điều thiện”. “Người nào

có được tri thức họ luôn luôn hợp lý còn người nào chỉ có ý kiến đúng thì đôi khi

không”47. Tri thức của Socrates ở đây là: một hành động tốt tất nhiên phát sinh từ tri thức

cái thiện và ngược lại, tri thức cái thiện là điều kiện cho hành động tốt. Chỉ tri thức cái

thiện đã là đầy đủ để làm điều ấy tốt rồi. Theo Socrates, những ý niệm cái thiện hay đạo

đức của tôn giáo tự nó đã là điều tốt. Thượng Đế là tuyệt hảo vậy biết Thượng Đế là biết

một điều thiện hảo...., chỉ cần tri thức cái thiện là hành động theo cái thiện. Nếu người ta

biết chắc có thiên đàng và hoả ngục thì ai cũng chọn thiên đàng, chẳng ai khờ dại để

mình sa hoả ngục. Đây cũng chính là tính chất duy lý trong đạo đức Socrates.

43 X. Lê Tôn Nghiêm, Lịch Sử Triết Học Tây Phương II, tr. 15. 44 X. Ibid. tr. 45 X. Ibid. tr. 46 X. Ibid. tr. 47 X. Thiên Phong Bửu Dưỡng, Vấn Đề Đau Khổ, tr. 128.

Page | 46

Quả thật, tri thức của Socrates gần với những vấn đề tôn giáo vì phát xuất từ linh

hồn và niềm tin nơi Thượng Đế. Ông còn quả quyết rằng một người đạo hạnh không thể

gặp điều ác nào, kể cả sau khi chết. Những may rủi phận người họ đón nhận như một

món quà và hiểu rằng đó là quy luật của kiếp nhân sinh. Nhân gian quan niệm ở hiền thì

gặp lành, hay phúc đức của ông bà để lại cho con cháu.... Cái phúc đó là gì nếu không

phải là một quan niệm sống về cái đức. Hơn nữa Socrates cũng cho rằng “Thượng Đế là

trọn hảo”, chính vì thế cái gì gần Thượng Đế thì cái đó hoàn hảo.

Thực vậy, như đã trình bày ở trên, với Socrates, sự hiểu biết đã có sẵn trong tâm

hồn con người vì thế nhiệm vụ của con người là khai triển tri thức ấy từ tiềm thể trở

thành hiện thể, từ cái đã có trong ý thức đem áp dụng vào cuộc sống. Cái minh nhiên ấy

phải là cái thiện phát xuất từ bản tính con người. Tư tưởng Socrates có phần nào giống

với quan niệm Phật giáo, giữ được cái tâm đúng là cái trí minh. Tri thức ở đây không

mâu thuẫn với những ngành khoa học tự nhiên bởi vì tri thức ấy là khoa học về chính con

người, và về những gì tốt hữu ích, tìm sự thiện, hạnh phúc cho con người. Sứ mệnh giảng

dạy của Socrates đề cao đạo đức và hướng con người đi tìm sự khôn ngoan nhân đức hơn

là tìm hiểu những lợi ích riêng như tiền tài, danh vọng. Điều này vượt xa các nhà Ngụy

biện khi nhìn nội tại con người. Mặc dù họ cũng có cùng quan điểm với Socrates là tri

thức phải lấy con người làm trung tâm chứ không phải vũ trụ bên ngoài, tuy nhiên cái

khôn ngoan ấy vẫn còn là khôn khéo, mánh lới chưa cụ thể đi vào chân lý sự thật của

nhân đức, vì sống như có vẻ là nhân đức thì chưa phải là nhân đức. Socrates đề cao sự

hiểu biết từ chính con người, và đây cũng là ý nghĩa của việc “hãy biết mình”. “Mỗi khi

nói gì hoặc làm gì phải căn cứ trên một tri thức hay một khoa học nền tảng. Khoa học ấy

phải là phổ quát, có tính chính xác, được mọi người công nhận và có giá trị trong mọi

hoàn cảnh”48. Như vậy con đường tri thức sự thiện cũng chính là một khoa học, khoa học

về sự thiện.

Muốn hiểu thế nào là nhân đức cần phải biết cái gì lợi ích cho con người, ngay cả

những gì thuộc thể xác như sức khỏe, sắc đẹp, của cải, hoặc những gì thuộc tinh thần như 48 X. Lê Tôn Nghiêm, Socrates, Ca Dao, tr. 125.

Page | 47

tiết độ, công chính, can đảm… đều ích lợi cho hạnh phúc con người. Vì thế đức hạnh

phải đi từ những sự thiện nhờ lý trí và ý chí đi kèm. Đức hạnh ấy cũng phát xuất từ chính

những khía cạnh nhân bản để đạt tới cái thiện. Từ đây Socrates rút ra một hệ luận quan

trọng: “liệu đức hạnh có thể đem ra giảng dạy như mọi môn khoa học khác không”? Thời

của Socrates, các nhà Ngụy biện đã giảng dạy đạo đức không như khoa học hay chân lý

sự thiện mà là một kỹ thuật, một nghệ thuật hùng biện, chưa sát thực với cuộc sống. Tuy

nhiên, cuối cùng Socrates cũng vẫn kết luận rằng nhân đức có thể đem ra giảng dạy được,

nhưng không giảng dạy như một mớ kiến thức lý thuyết suông, dùng ngôn ngữ như một

phương tiện truyền đạt. Bằng phương pháp sản ý, Socrates khơi lên trong ý thức con

người cái đã tiềm tàng, tức là đức hạnh.

Tri thức là nhân đức cũng có nghĩa là Socrates đã đồng hóa tri thức với hành động,

biết là làm. Nhân đức là tri thức không chỉ có nghĩa hành động tốt giả thiết tri thức sự

thiện mà hơn thế nữa ông muốn chủ trương hành động tốt tất nhiên phát xuất từ tri thức

sự thiện49. Chỉ tri thức sự thiện đã là điều kiện đầy đủ để làm điều tốt rồi. Điều này chỉ có

thể đón nhận nơi tôn giáo chứ thật khó hiểu và có lẽ khó xảy ra trong lĩnh vực triết học.

Tôn giáo lấy Thượng Đế làm cứu cánh cho mọi điều thiện hảo, và mọi hành động của con

người đều phải phát sinh từ niềm tin và lòng mến đối với Thượng Đế. Tri thức tôn giáo

có cái biết của niềm tin, có cái hiểu của lòng mến và tất nhiên cũng có cái biết bằng khả

giác tự nhiện. Nếu biết làm lành thì được hưởng phần thưởng thiên đàng hay giải thoát

khỏi những kiếp khổ lầm than, còn làm dữ thì sa hỏa ngục hoặc hoá kiếp vật hèn thì

chẳng ai dại gì mà chọn sự dữ.

Tri thức là tác động của linh hồn đến lý trí và nó cũng là lý thuyết vừa thực tiễn

vừa trừu tượng, hay nói khác đi nó chính là tác động của linh hồn và là sức mạnh của thể

xác. Vì thế, tri thức là chính con người và là sức mạnh của con người. Tri thức về sự

thiện cũng là con đường đi tìm hạnh phúc nơi thần minh và những gì phát xuất từ thần

thánh. Muốn sống hạnh phúc phải đi tìm sự thiện, còn sa lầy vào điều ác là lầm lạc không

biết sự thiện là gì. Vì thế “không ai có thể cố tình làm điều ác” là vậy. Chính ông cũng đã 49 X. Ibid., tr. 130.

Page | 48

quan niệm rằng “chỉ trong linh hồn tức là lý trí của ta mới khám phá ra được chân lý mà

chân lý cũng là sự thiện”50.

Nhiều người cho rằng quan niệm duy lý của Socrates bị ảnh hưởng bởi những kỹ

thuật thủ công và kinh nghiệm của người Hy Lạp. Trong các công việc thêu đan hay đóng

giầy phần lớn “tay nghề” phụ thuộc ở kinh nghiệm nghề nghiệp, làm là biết. Nếu có hiểu

biết được điều gì đã là thể hiện từ chính công việc làm rồi. Một người thợ thành thạo là

người thợ giỏi về chuyên môn và cũng là người có đạo đức tốt nữa, bởi vì họ là người

biết, mà biết thì không chỉ nghề nghiệp mà cả hiểu cái thiện. Biết đúng là làm đúng, điều

này chỉ hợp lý ở một phía bởi vì đây mới chỉ là tương quan trên bình diện kỹ thuật, biết

đúng ắt sẽ làm đúng, còn trên bình diện đạo đức thì phức tạp hơn nhiều.

2. Một vài quan niệm khác về tri thức và đức hạnh

Ở Đông Phương không có triết gia mà chỉ có có bậc hiền giả hay thi nhân. Vậy thử

hỏi các bậc thánh hiền đã quan niệm thế nào về tri thức và nhân đức, đúng hơn là tri -

hành. Quan niệm ấy cũng là một sự thống nhất bền chặt giữa biết và sống thực hành.

Sách cổ thư có lời rằng: “đức thắng tài vi quân tử, tài thắng đức vi tiểu nhân”51. Rõ ràng

quan niệm về cái đức được đề cao trong bậc thang giá trị con người, thuộc “hành”. Cái

đức ở đây là đức độ, nhân đức đã có sẵn trong mỗi con người. Cái tài có thể là tài sản,

của cải vật chất mà cũng có thể là tài năng nghề nghiệp, học thức, những gì thuộc “tri”.

Người quân tử phải thể hiện được cả hai nhưng cái đức quan trọng hơn. Người hiền vừa

có tài vừa có đức, học cao biết rộng nhưng lại cũng rất khoan nhượng trong đối nhân xử

thế, không lấy cái học, cái biết mà kiêu căng, hay khi làm lớn áp đặt người bé. Người

hiền luôn được kính trọng bởi họ biết đề cao và tôn trọng cái đức. Kẻ tiểu nhân chỉ dùng

cái trí, cái hiểu như phương tiện sống mà quên đi tương quan con người với nhau.

Nếu như khoa học sự thiện của Socrates là “hãy biết mình”, thì trong cái “vô vi”

của Lão Tử cũng có những nét giống như vậy. Người đời thường bảo biết người là trí, 50 Ibid., tr.160. 51 X. Trích từ tài liệu Hán Văn của thầy Nguyễn Gia Tường.

Page | 49

Lão Tử lại bảo “biết mình là sáng”. Người đời bảo thắng mình là có sức, ông bảo “thắng

mình là sức mạnh”. Biết người thắng người là hữu vi, biết mình thắng mình là vô vi52.

Biết mình là quan trọng bởi nó gói trọn cả cái biết sự thiện, và khi đã biết mình thì cũng

dễ biết người và đối xử theo sự hiểu biết ấy.

Khi Đông Phương bàn đến “tri hành” thì các nhà hiền triết Trung Quốc Cổ Đại

đề cao cái tâm và cũng giống như Socrates, mọi tri thức đều phát xuất từ cái tâm con

người. Ngày nay, trong xã hội Việt Nam cũng thế, cái tâm luôn được coi trọng. Đại thi

hào Nguyễn Du đã từng ví, “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (ĐTTT, câu 3250).

Lục Cửu Uyên cho rằng: Không có cái “lý” nào ngoài cái “tâm”. Cái tri thức về

qui luật khách quan của sự vật có trước trong ý thức của con người. Do vậy ông chủ

trương không phải nhọc công tìm kiếm chân lý bên ngoài thế giới vật chất, mà chỉ cần

phản tỉnh tìm kiếm bên trong là nhận thức được cái “lý”. Trở về cái tâm thanh tịnh sáng

suốt để nắm được cái “lý”53.

Cũng trong quan niệm triết học Trung Quốc Cổ Đại, Vương Thủ Nhân lại đặt tri

thức con người thuộc quyền “trời”: đối tượng nhận thức của con người không phải là sự

vật khách quan mà là trở về nhận thức cái lý “trời” phú ở trong “tâm” của con người.

Ông cho rằng cái biết “tri” đúng đắn là biết cái “lý” của trời. “biết” là căn bản, làm chỉ là

kết quả của biết54.

Còn Mạnh Tử thì đơn giản hơn “tất cả trong trời đất có đủ ở ta, quay về với bản

thân đến chỗ thành là nguồn lạc thú vô biên”55.

Trở lại với quan điểm của Socrates “hãy nhận thức chính mình” nó còn có nghĩa là

xây dựng những khái niệm chuẩn mực đạo đức chung của mọi người. Triết học là sự

nhận thức thế nào là cái thiện, cái ác. Vấn đề đặt ra là khái niệm tri thức được hiểu thế

52 X. Nguyễn Duy Cần, Lão Tử Tinh Hoa, Nxb, Tp. HCM, tr. 187. 53 X. Nguyễn Hữu Vui, Lịch Sử Triết Học, Nxb, Tp. HCM, tr. 97. 54 X. Ibid., tr.102. 55 X. Nguyễn Đăng Thục, Triết Lý Đối Chiếu, tr. 244.

Page | 50

nào trong hoạt động của con người. Đâu là tri thức phổ quát, tri thức phát xuất từ đâu và

để làm gì? Socrates coi tri thức là nền tảng của đức hạnh, “nền tảng và bản chất của nhân

đức là tri thức cái thiện”56. Của cải và danh tiếng chẳng mang lại lợi ích gì, ngược lại chỉ

mang đến những điều ngu xuẩn. Tài thắng đức chỉ là tiểu nhân ở chỗ đó.

“Mọi hành vi vô đạo đức đều là kết quả của dốt nát kém hiểu biết. Bởi lẽ nếu

người ta biết thế nào là tốt thì người ta không bao giờ làm điều xấu. Vì vậy con

đường đi đến tri thức cũng là con đường hoàn thiện nhân cách đạo đức và đó

cũng là đường đưa con người tới cái thiện và hạnh phúc”57.

Quan niệm “tri thức và nhân đức là một”, tri – hành hợp nhất không chỉ ở quan

niệm của các triết gia duy tâm mà ngay chính chủ nghĩa duy vật vô thần Marx cũng chủ

trương như vậy, tất nhiên hoàn toàn trên phương diện duy vật. Karl Marx cho rằng: chân

lý cần phải tìm cả tri lẫn hành. “Hành động không tri thức là hành động mù quáng, tri

thức xa hành động là tri thức vu vơ, vô căn cứ”58.

Trong truyền thống Kitô giáo cũng rất nhiều tư tưởng thống nhất giữa hiểu biết và

đạo đức cũng như tương quan giữa đạo đức và những hiểu biết siêu nhiên. Cái biết của

đức tin không giống như cái biết của lý trí, được tác động bởi các giác quan mà là cái biết

của tình yêu, niềm tin, và lòng mến.

Thánh Gioan cũng đề cao sự thống nhất giữa hiểu biết và thực hành cũng như tri

thức và nhân đức: “Căn cứ vào điều này chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên

Chúa: đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. Ai nói rằng mình biết Người mà

không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối và sự thật không ở nơi người ấy.

Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa thực sự nên hoàn hảo” (1Ga

2, 3-5). Tất nhiên cái biết ở đây không phải là cái cảm giác vui buồn như của tình yêu con

người, mà là cái biết của niềm tin của sự giải thoát và ơn cứu độ.

56 X. Lê Tôn Nghiêm, Lịch Sử Triết Học Tây Phương II, tr. 16. 57 X. Nguyễn Đăng Thục, Triết Lý Đối Chiếu, tr. 184. 58 X. Ibid., tr. 203.

Page | 51

Kinh nghiệm của thánh Augustin lại thực tế và gần với con người hơn “Cứ nhân

đức đi thì sẽ hiểu biết”, hoặc “yêu đi rồi làm gì thì làm”. Đây là quan niệm phát xuất từ ý

tưởng tôn giáo, lấy Thượng Đế làm mục đích cho mọi tri thức. Ở đây “hiểu biết và nhân

đức” là những khái niệm không thuộc lý trí mà gần như phụ thuộc ở cảm giác cũng như

chìm sâu trong lòng mến. Đối với thánh Augustin một lý trí hư hỏng đến độ thích sự dữ

vì chính sự dữ thì đó là con người đã mất sự kiểm soát của lý trí. Bởi vì bình thường thì

con người hướng đến cái thiện. Chính vì vậy, biết xấu mà vẫn cố tình làm điều xấu là

điều đáng lên án, nhưng làm điều xấu mà không còn coi đó là điều xấu nữa thì đáng sợ,

đáng lo hơn nhiều.

Tóm lại, có thể nói rằng tri thức và đức hạnh không chỉ riêng mình Socrates đề

cập nhưng có rất nhiều hiền triết, nhiều học giả cả Đông và Tây quan tâm. Nhìn chung

mọi người đều đề cao tri thức và nhân đức. Tuy nhiên, cái đức vẫn được coi trọng hơn.

Sở dĩ cái đức được nhấn mạnh vì nó gắn bó một cách sâu sắc và có tính bền vững, tính

nhân bản đối với con người. Nhiều người cho rằng, có đức mặc sức mà ăn, hay, chiến

thắng thiên hạ thì dùng tài, giữ lấy thiên hạ thì dùng đức. Cái tài cái đức phải song hành

với nhau, tuy nhiên cái đức nhất thiết phải được đặt lên trên cái tài.

Tri thức và đức hạnh là hai lĩnh vực cần phải luyện tập trong suốt cuộc đời của

mỗi người chúng ta. Vì chúng là đôi cánh giúp con người vươn lên trong cuộc sống. Con

người sẽ không viên mãn nếu thiếu đi tri thức và đức hạnh – ở đây không cố ý nhắm đến

những người có hoàn cảnh hay tình trạng đặc biệt về khả năng nhận thức và suy lý. Chính

vì thế ngay từ đầu bài tiểu luận, người viết đã đề cao nhiều khía cạnh tích cực của luận

điểm tri thức và đức hạnh là một. Tuy nhiên, để hiểu sâu xa hơn vấn đề này cần phải lật

lại để tìm ra những mặt trái của tư tưởng tri thức là đức hạnh, vì trong đời sống thực của

xã hội mọi vấn đề phức tạp hơn rất nhiều so với lý thuyết mà Socrates đưa ra.

3. Mặt trái của việc đồng hóa tri thức và đức hạnh

Có thể nói rằng, lý thuyết tri thức là đức hạnh mà ông đưa ra ẩn chứa những lý

tưởng cao đẹp của nó. Hơn nữa, nó càng cao đẹp hơn khi ông đã sống trọn vẹn cái lý

Page | 52

tưởng đó. Ông đã sống hết mình để làm chứng cho những gì ông dạy người khác làm

theo. Tuy nhiên, để hiểu được vấn đề ông đưa ra một cách khách quan hơn, trọn vẹn hơn

thì không thể không xem xét lại. Không những thế, việc đặt lại vấn đề cũng là cơ hội cho

người viết nhìn lại thực trạng xã hội cũng như chính bản thân.

Trước hết, nếu xét trên bình diện khoa học kỹ thuật thì việc biết đúng sẽ làm đúng

là điều hiển nhiên không ai chối cãi được. Ta biết quy luật vận hành của máy móc sẽ điều

khiển nó vận hành theo đúng quy trình và chức năng của nó. Tuy nhiên, nếu xét trên bình

diện đạo đức thì vấn đề phức tạp hơn nhiều. Không thể vội vàng kết luận tri thức và đức

hạnh là một; hay biết điều tốt sẽ làm điều tốt. Theo Socrates, “con người nếu biết đúng họ

sẽ sống đúng, làm đúng.” Cũng có nghĩa, chỉ cần trau dồi trí tuệ mở mang kiến thức và

có những kinh nghiệm thực tế là đủ. Ông cũng cho rằng “không ai phạm tội một cách cố

tình”, nghĩa là con người luôn hướng thiện. Họ làm điều ác chỉ vì họ sai lầm và không

biết sự thiện là gì.

Điều này xem ra quá lý tưởng và xa rời thực tế bởi lẽ chỉ biết đúng thì chưa đủ mà

người ta còn phải muốn và chọn lựa điều họ làm. Socrates quên rằng ngoài cái thiện,

trong con người cũng có những mặt trái của nó như: dục vọng, tham, sân, si, nó ảnh

hưởng trên hành động của con người. Có khi cái muốn, cái chọn lại phụ thuộc vào hoàn

cảnh, môi trường tác động khiến người ta chọn cái sai lầm. Người ta biết nghiện chích là

điều xấu, mãi dâm là điều không thể chấp nhận về mặt đạo đức, nhưng người ta vẫn chấp

nhận phiêu lưu. Con người có thể vì yếu đuối trước sự lôi kéo của tình dục của tham vọng

vô độ. Điều ấy cũng đã có sẵn trong con người. Không phải Thượng Đế ban điều xấu

nhưng trong con người có tự do cá nhân. Vì tự do cá nhân nên con người có thể chọn làm

điều xấu theo dục vọng của mình. Nếu theo đúng quan niệm Socrates thì thế giới này

không có kẻ nói dối hoặc man trá, vì không thể nói hoặc làm những gì ngược với lương

tâm họ. Tuy nhiên, trên thực tế lương tâm một đàng nhưng thực hành một nẻo. Chính

Page | 53

thánh Phaolô đã ý thức rằng: “Điều tôi muốn làm thì tôi lại không làm, còn điều tôi không

muốn tôi lại cứ làm”59.

Có những cái người ta biết là xấu nhưng vẫn làm vì yếu đuối. Hoặc có những lúc

vì hoàn cảnh người ta làm điều ác nhưng trong thâm tâm vẫn yêu mến điều thiện, vẫn hối

hận về việc làm sai trái của mình. Vì vậy con người phạm tội và cần sám hối. Gioan Tẩy

giả đã làm chứng điều đó: Sự Sáng đã đến thế gian, nhưng thế gian không đón nhận Sự

Sáng, bởi vì họ đã quen sống trong tối tăm (x. Ga 1,6-11).

Socrates qủa quyết rằng: “lòng người luôn hướng về những điều thiện”. Người ta

ăn ở bất lương chỉ vì ngu si, không hiểu biết mà thôi, nếu được giáo dục để nhận thức thì

nhất thiết họ sẽ ăn ngay ở lành. Quan niệm này ảnh hưởng nhiều đến học trò của ông là

Plato khi hình thành một xã hội ý tưởng mà mãi tới nay nó còn là giấc mơ, con người vẫn

chưa làm được. Trong xã hội đó lấy nhân trị, tức là con người sống tự giác bằng một

lương tâm trong sáng được giáo dục thay vì một nền pháp trị. Ngày nay chúng ta càng

thấy rõ hơn thời xưa rằng một nền pháp trị bao giờ cũng tốt hơn một nền nhân trị. Plato

đã tin vào nền nhân trị, và ông cho rằng hễ dân học biết đường ngay lẽ phải thì dân sẽ

sống lương thiện. Chúng ta lại càng khó chấp nhận điều đó khi sống trong xã hội thực

dụng mà những thất thoát của chung lại phát xuất từ hiểu biết, từ những người có tri thức

có quyền lực trong tay. Ngay cả trên phương diện đạo đức cũng vậy, không phải cứ

người học cao biết rộng là họ sống tốt mà trái lại đôi khi chính vì sự khôn ngoan tinh xảo

của họ tạo điều kiện cho họ tìm ra những kẽ hở của lề luật, của cơ chế để lạm dụng. Tri

thức cũng có thể là con dao hai lưỡi mà tốt xấu là do người sử dụng nó. Đúng ra chúng ta

phải tin rằng, một nước hùng mạnh là một nước có pháp luật đầy đủ, chi phối từng sinh

hoạt của con người, và đó cũng thể hiện văn minh của một quốc gia.

Đối với xã hội, giáo dục vẫn phải giữ phần quan trọng là đào tạo những con

người, nhưng con người ấy phải vừa có đức vừa có tài. “Tri thức và nhân đức là một”

cũng có nghĩa là Socrates quá đề cao tri thức và như vậy đồng nghĩa với đề cao kẻ có học

59 Rm 7,15.

Page | 54

mà khinh dể, coi thường kẻ ít học. Chính do điểm này mà trong xã hội Plato khi kế thừa

tư tưởng của thầy mình, ông đã phân cấp rõ ràng người có học được coi là khôn ngoan và

những người không được học. Quyền hành cai trị và ngay cả việc truyền sinh duy trì nòi

giống cũng do những người tri thức, còn tầng lớp người ít học thì dần dần “diệt chủng”

trong xã hội Plato. Đây là mặt hạn chế mà ngày nay được xét như một tội ác liên quan

đến nhân phẩm con người.

Chính việc đồng hóa tri thức và đức hạnh là bài học có ảnh hưởng rất lớn đến

nhiều thế hệ. Những ảnh hưởng đó là minh chứng khẳng định phần nào chân lý xác thực

của nó. Tuy nhiên, một lý thuyết dù hay đến đâu, triết lý đến đâu cũng có những hạn chế

nhất định của nó. Hạn chế, đơn giản là vì những tư tưởng đó xuất phát từ con người giới

hạn. Ta biết rằng từ cái giới hạn không thể sản sinh ra cái vô hạn, cái tuyệt đối. Dù tư

tưởng của Socrates có uyên thâm đến mấy thì cũng chẳng phải là Kinh Thánh hay những

gì được đón nhận từ mặc khải. Lý thuyết đó chỉ đúng trong không gian và thời gian nhất

định. Nó không thể hoàn toàn phù hợp với tất cả mọi người ở mọi thời đại và nơi chốn

khác nhau. Mọi lý thuyết phải được con người áp dụng một cách đúng đắn phù hợp với

hoàn cảnh cụ thể. Vì vậy, nếu làm sai con người sẽ gây đau khổ cho nhau và cho chính

mình. Mọi mục đích khoa học phải nhằm phục vụ con người, đưa con người tới chân,

thiện, mỹ tới những giá trị không thể thay thế. Chỉ con người có lý trí, linh hồn, tự do,

nên không thể cư xử với nhau như những phương tiện. Ngay cả dùng khoa học để đạt đến

những ý định tốt như: Tạo ra nhiều nhân tài cho xã hội bằng việc nhân bản vô tính, hay

dùng phương pháp cấy phôi phục vụ y học trong công việc kéo dài sự sống; mà ở đây giá

trị con người phải được đề cao tuyệt đối. Tri thức và nhân đức là một cũng có nghĩa là

con người biết hài hoà giữa hiểu biết và ý chí, giữa tri thức và hành động, giữa tài và đức

để đạt tới sự khôn ngoan đích thực nhằm phục vụ lợi ích thăng tiến giá trị nhân bản của

con người.

Page | 55

Chương VI

Luận Về Tri Thức và Đức Hạnh

Khi nghiên cứu vấn đề tri thức và đức hạnh theo tư tưởng Socrates, người viết

nhận rằng tuy chỉ mấy từ gói gọn nhưng nó đã bao quát toàn bộ tri thức cũng như lẽ sống

con người. “Tri thức và nhân đức phải là một”, hoặc “người ta không thể sai lầm nếu

hiểu biết cho đủ”. Điều này khiến tôi phải suy nghĩ khi nhìn lại bản thân cũng như cục

diện những gì đang diễn ra trong đời sống xã hội hôm nay.

Nếu như tri thức và nhân đức phải là một thì điều trước hết chúng ta nói đến đó là:

những khuynh hướng tách rời của quan niệm tri thức và đức hạnh ngày nay, cũng như

những tri thức không phục vụ lợi ích con người. Đó là những vấn đề nổi cộm trong xã hội

đương thời.

1. Những khuynh hướng tách rời của con người ngày nay

Cuộc sống con người như dòng sông không ngừng chảy. Có lẽ vì thế mà nhiều giá

trị truyền thống tốt đẹp cũng trôi dần và biến mất. Ngày nay người ta chỉ còn biết chạy

đua đi tìm những lối sống thích ứng với thời đại, một thời đại đề cao khoa học kỹ thuật,

một thời đại kinh tế chiếm ưu thế và con người chỉ lo hưởng thụ. Nếu tri thức và nhân

đức là một thì những giá trị cuộc sống đạo lý của cha ông truyền lại đang tan dần ra từng

mảng. Chẳng hạn, hôn nhân được coi là một liên kết bền chặt và một ý nghĩa thiêng

liêng, hai người nam nữ đón nhận cách vô điều kiện để có thể sống với nhau cả đời, thì

ngày nay người ta có khuynh hướng tách tình yêu, tình bạn, hôn nhân và tình dục thành

từng mảng độc lập. Cái thiện không còn nằm trong quan niệm tinh túy cao đẹp của văn

hoá truyền thống, mà dường như tâm thức con người luôn chiều theo khuynh hướng quay

cuồng của thời đại. Tình yêu chỉ còn là cơ hội của những cảm giác lãng mạn tức thời, để

rồi lúc quen lúc bỏ, hay thử sống với nhau mà không vương vấn bởi một ràng buộc nào

của hôn nhân. Tình dục và hôn nhân tách rời để dễ dàng hưởng thụ, mua bán. Đó là

những khuynh hướng cho thấy rằng tri thức và đức hạnh lắm lúc không đi đôi với nhau.

Page | 56

Trong xã hội Việt Nam hiện tại có không ít người, nhất là giới trẻ, họ không cần tri thức

mà cũng chẳng quan tâm đến đức hạnh. Họ sống một cách vội vàng, chạy theo những nhu

cầu thực dụng hàng ngày; và đối với họ như thế là đủ.

Cái biết của khoa học là cái khó khi giữ gìn những giá trị đạo đức khi đem ra áp

dụng. Ngày nay thuốc ngừa thai được coi là tiêu chuẩn của một xã hội văn minh. Cái văn

minh đã cướp đi tính tự nhiên thiêng liêng mà Thượng Đế đặt nơi mỗi con người. Một

cách chủ quan, hình như con người đang cướp đi sự sáng tạo của Thượng Đế. Cũng vậy

trên các phương tiện thông tin, chúng ta rất dễ dàng nhận thấy mặt trái của quảng cáo phổ

biến những thành quả của khoa học kỹ thuật mà con người phát minh. Những hình ảnh

quảng cáo “tươi mát” vô tình cũng ghi vào tâm trí người trẻ những xao động về tâm sinh

lý, dẫn đến những hành động tiêu cực cho bản thân và xã hội. Đó là một vài thí dụ điển

hình trong vô vàn bộ mặt tiêu cực của tri thức khoa học. Cứ như vậy cái biết của khoa

học dễ dàng phá hủy những nếp sống lành mạnh, những truyền thống tinh túy của một

nền văn hoá. Làm sao có thể dung hoà giữa cái biết và sống, giữa tri thức khoa học và

truyền thống đạo đức không bị lấn át nhau. Đó là những vấn đề nan giải trong xã hội

chúng ta hôm nay.

2. Mặt trái của tri thức khoa học

Sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã gây kinh hoàng cho cả thế giới. Xét về

phương diện đạo đức thì đây quả là một tội ác lớn bởi nó cướp đi nhiều mạng sống con

người. Nhưng nếu đặt vấn đề trên phương diện tri thức khoa học kỹ thuật thì đây cũng là

kết quả huy hoàng của một tính toán đầy tri thức. Bài này không dám bàn đến sự đúng sai

về mặt chính trị. Nhưng nếu tri thức và đức hạnh đi đôi với nhau thì vấn đề phải nên xét

lại.

Trở lại với tinh thần Socrates “người ta không thể sai lầm nếu họ tri thức đúng về

sự thiện”. Khó có thể nói rằng kẻ gây ra khủng bố là người không tri thức nên đã sai lầm,

mà đúng hơn tri thức ấy còn vượt lên trên những gì người ta có thể nghĩ tới. Điều quan

trọng là tri thức về sự thiện ở đây đúng hay sai, và chân lý ấy phổ quát hay chỉ là quan

Page | 57

điểm cá nhân. Có thể họ cũng được soi dẫn bởi một chân lý siêu việt của tôn giáo, hoặc ý

định của họ là phù hợp với ý muốn của Thượng Đế. Điều này vượt ra khỏi mọi lý luận

thông thường của con người. Tới đây, ta lại thấy chân lý sự thiện cũng bị uốn cong giữa

quan niệm triết học, chính trị và tôn giáo. Thế nhưng, ta phân biệt đâu là chân lý tôn giáo

và sự quá khích và cuồng tín của một số người. Chân lý tôn giáo được soi dẫn bởi một

Đấng Siêu Việt, vượt không gian và thời gian, phải có một nền giáo lý vững chắc và

những sinh hoạt mang tính chất cộng đoàn nhằm xây dựng và phát triển nền chân lý một

cách minh bạch và hướng con người đến sự thiện. Ngược lại với chân lý tôn giáo đó là sự

quá khích và cuồng tín của một số người. Một số người cuồng tín và cho rằng Đấng siêu

việt của họ đã an bài và định liệu số mệnh của họ, họ tự hủy diệt chính bản thân bằng

cách ôm bom liều chết và còn kết liễu đời mình bằng nhiều hình thức khác, vì họ cho

rằng làm như thế mới đi đúng con đường của Đấng họ cho là vị Thánh của họ. Một số

người đã có những định hướng sai lầm và lôi kéo nhiều người đi theo con đường cuồng

tín ấy.

Một lĩnh vực khác, ngày nay mạng lưới Internet trải rộng toàn cầu và những công

dụng của nó rất hữu ích cho đời sống con người. Thế nhưng người ta cũng phải điên đầu

với việc chống chọi những sự cố có thể xẩy ra do chính con người gây nên. Nếu kẻ xấu

chủ ý cài đặt những con virus có sức phá hủy mạng lưới máy tính toàn cầu. Những hệ

thống điện tử bị tê liệt, ngành hàng không mất phương hướng, các phương tiện truyền

thông không còn tín hiệu nữa. Mỗi năm người ta phải mất bao nhiêu tiền của cho tri thức

lệch lạc của kẻ xấu. Đó chính là hậu quả của cái biết và mặt trái của tri thức khoa học,

của sự tách rời giữa tri thức và nhân đức không ăn khớp với nhau.

Chú cừu Dolly của nhà bác học Ian Wilmut là sản phẩm đầu tiên của phương pháp

nhân bản vô tính đã ra đời năm 1996, chết 2003 làm bàng hoàng các nhà đạo đức, khoa

học nhân văn, tôn giáo. Một lần nữa khi dùng khoa học trong sinh sản vô tính, con người

lại cướp đi cái quyền riêng của Thượng Đế. Dolly là một con vật được sinh ra trong ống

nghiệm bằng cách nhà khoa học lấy tế bào của một con cừu cái, dùng trứng của con cừu

cái khác bóc bỏ nhân rồi đem tế bào kia gắn vào trứng rỗng. Trứng có nhân đó phát triển

Page | 58

thành phôi và lại nhờ một con cừu cái khác mang thai đẻ dùm60. Như vậy cừu Dolly được

sinh ra một cách khác thường và hoàn toàn trái với qui luật tự nhiên. Kể từ khi cừu Dolly

ra đời các phòng thí nghiệm sinh học nhiều nơi trên thế giới không ngừng tìm tòi để đưa

ra một khám phá mới hữu hiệu hơn, và người ta đã dùng phương pháp này cho chính con

người. Ngay sau khi cừu Dolly ra đời không lâu thì tại Mỹ các nhà khoa học đã đưa ra

một phương pháp sản xuất người không đầu để thu hoạch các cơ phận và để thuyết phục

dân chúng thành công của một công trình khoa học61. Tuy mới chỉ trong phòng thí

nghiệm hoặc gắn vào những mục đích y học, thế nhưng các nhà đạo đức không khỏi băn

khoăn và mạnh mẽ lên tiếng phản đối, vì biết rằng giá trị đạo đức của con người sẽ không

đúng nghĩa nếu một người sinh ra không có cha mẹ.

Tương tự, nhà bác học Einstein, người đã phát minh ra lý thuyết đưa tới việc chế

tạo bom nguyên tử, đã rất hối hận khi hai quả bom nguyên tử được ném thẳng xuống

Hiroshima và Nagazaki của Nhật Bản, cướp đi hàng vạn sinh mạng.

Như thế, nếu đặt ra trường hợp một con người được nhân bản vô tính lớn lên sẽ

đến chất vấn Ian Wilmut rằng: Ai là cha mẹ của tôi, hạnh phúc của tôi ở đâu, tôi hiện

diện ở đời này để làm gì, tôi và chú cừu Dolly có khác gì nhau không? Không biết ai sẽ là

người đứng ra chịu trách nhiệm giải đáp những thắc mắc trên? Làm thế nào để bồi đắp

được những lỗ hổng tinh thần của những con người được sinh ra bởi phương pháp nhân

bản vô tính? Cũng thế, bài học của Einstein cho ta hiểu phần nào lương tâm của những

người làm tri thức khoa học, họ đã làm việc vì yêu mến khoa học nhưng khoa học ấy lại

đưa đến tội ác. Tất nhiên những hậu quả nguy hại không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các nhà

khoa học phát minh ra, mà vấn đề còn được quyết định bởi những trật tự khác của con

người. Nhất là tùy thuộc vào những ai sử dụng những thành quả phát minh của khoa học.

Nhưng dù sao tri thức của họ cũng gián tiếp dẫn đến sự đau khổ cho con người một cách

vô tình.

60 X. Nguyễn Hồng Giáo, Nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 28, tr. 63. 61 X. bài, Từ chuột không đầu đến người không đầu, Kiến Thức Ngày Nay số 276, tr. 100.

Page | 59

Tóm lại, việc đồng hóa tri thức và đức hạnh là bài học có ảnh hưởng rất lớn đến

nhiều thế hệ. Những ảnh hưởng đó là minh chứng khẳng định phần nào chân lý xác thực

của nó. Vì vậy, nếu làm sai con người sẽ gây đau khổ cho nhau và cho chính mình. Mọi

mục đích khoa học phải nhằm phục vụ con người, đưa con người tới chân, thiện, mỹ tới

những giá trị không thể thay thế. Chỉ con người có lý trí, linh hồn, tự do, nên không thể

cư xử với nhau như những phương tiện. Ngay cả dùng khoa học để đạt đến những ý định

tốt như: Tạo ra nhiều nhân tài cho xã hội bằng việc nhân bản vô tính, hay dùng phương

pháp cấy phôi phục vụ y học trong công việc kéo dài sự sống; mà ở đây giá trị con người

phải được đề cao tuyệt đối. Tri thức và nhân đức là một cũng có nghĩa là con người biết

hài hoà giữa hiểu biết và ý chí, giữa tri thức và hành động, giữa tài và đức để đạt tới sự

khôn ngoan đích thực nhằm phục vụ lợi ích thăng tiến giá trị nhân bản của con người.

3. Tôn giáo là khoa học về sự thiện

Trong xã hội hiện nay, trước những vấn đề đang được đặt ra do tiến bộ khoa học

kỹ thuật, dường như người ta chỉ chú ý đến những vấn đề thuộc khoa học tự nhiên như

nguyên tử, di truyền học hoặc những nguyên tắc để đạt mục đích kinh tế, còn những vấn

đề đạo đức có thể bị coi thường. Ngay cả về mặt tổ chức xã hội cũng như những phương

pháp khoa học, giá trị con người chưa được đề cao cho đủ. Chẳng khác nào quan niệm

của các nhà Vũ trụ luận thời trước Socrates, họ chỉ lo tìm những tri thức bên ngoài mà

không nhìn đến bản chất con người. Các giá trị khoa học kỹ thuật đã lấn át giá trị khoa

học nhân văn như triết học hay đạo đức học. Có người nói rằng, chúng ta đang sống trong

một thời đại cần nhiều nhà bác học tài giỏi để xã hội được thăng tiến, nhưng cũng rất cần

đến các nhà hiền triết, bậc khôn ngoan, các nhà đạo đức để xã hội được hài hoà và phát

triển cân đối. Vậy, vai trò của tôn giáo ở chỗ nào? Có phải Thần thánh chỉ là những ngẫu

tượng do con người đặt ra nhằm ru ngủ như Marx quan niệm, hay tôn giáo chỉ là bước

đường cùng khiến người ta chấp nhận, ráng chịu những đau khổ ở đời này để được đền

bù phần thưởng mai sau? Tôn giáo giải thích cho chúng ta thế nào những vấn đề đau khổ,

Page | 60

hạnh phúc, ý nghĩa cuộc sống, con người từ đâu và đi về đâu. Chính ở điểm này mà tôn

giáo cũng có thể được coi như một khoa học – khoa học về cái thiện.

Xét trên phương diện tri thức - “tri” của Đông Phương – thì hình như các tôn

giáo đều có thể trả lời những vấn đề của cuộc sống một cách khoa học dựa trên các lý

luận triết học. Tôn giáo cũng có những phương pháp khoa học của đời sống tâm linh, có

những cơ cấu tổ chức về mặt xã hội. Xét trên phương diện nhân đức “hành” thì tôn giáo

luôn dạy con người sống sự thiện và thực hành những điều hiểu biết từ niềm tin, mà cụ

thể là những lời dạy luân lý của Đấng họ tin thờ. Tôn giáo nhắm trực tiếp vào nội tâm con

người, vì thế có lẽ nó còn hữu hiệu hơn xã hội rất nhiều trong việc chế ngự cái xấu, cổ vũ

cái tốt. Có lẽ người ta không sợ dư luận hay luật pháp vì có thể che dấu hay luồn lách

được, nhưng lại e ngại sự phán xét của lương tâm khi đối diện với Đấng họ tôn thờ. Cuộc

sống rất mong manh, vượt ra khỏi hành lang là điều nguy hiểm. Đi trong hành lang vừa

khó chịu nhưng lại vừa tự do.

Giống như triết học, tôn giáo là khoa học ở chỗ giúp cho con người tìm thấy ý

nghĩa của cuộc sống, nhận ra những giá trị trong thâm sâu con người, ý nghĩa đạo lý làm

người. Nhất là mục đích tối hậu của kiếp người. Một đôi vợ chồng có những xích mích

hoặc khó có thể sống với nhau, nếu hỏi các luật sư có thể họ sẽ tách rời mỗi người một

phương để tránh những phiền toái. Các nhà chuyên môn tư vấn về hôn nhân gia đình thì

phân tích những lý do, những khía cạnh tâm sinh lý để có thể đưa đến giải hòa hay phân

tán. Còn tôn giáo thì có qui luật luân lý làm nền tảng, vừa tôn trọng những giá trị tự

nhiên, vừa khai mở một chân lý đức tin. Mọi tri thức phát xuất từ Thượng Đế sẽ đưa họ

tới hạnh phúc.

Tôn giáo khai mở tri thức cái thiện không đâu xa ngay chính trong lương tâm con

người khi đối diện với chính mình và với Thượng Đế. Ở điểm này tôn giáo có cùng quan

điểm với Socrates “tri thức và nhân đức là một”. Đây không chỉ là một phương pháp lý

thuyết mà là một lời chứng sống động. Bởi vì có những con người đã dám sống hết mình

với một “tri thức tôn giáo”, tri thức hướng về cái thiện hoàn hảo của nhân đức. Người ta

Page | 61

đặt vấn đề liệu những tri thức được nghiên cứu trong các học viện, chủng viện, thiền viện

của các tôn giáo có gì khác tri thức khoa học nhân văn tự nhiên của những người không

có niềm tin? Tri thức tôn giáo không chỉ là một kho tàng kiến thức về sự thiện về mặt lý

thuyết mà là sống cái thiện đó. Vì vậy tri thức tôn giáo có những cái hiểu của niềm tin, có

những cái biết của lòng mến của con tim mà các khoa học khác không có được. Những

con người rao giảng tri thức sự thiện họ phải hiểu biết và sống sự thiện đó. Tức là tri thức

và nhân đức phải là một. Và đó cũng là nét đặc trưng của tri thức tôn giáo.

Tóm lại, về phương diện tâm lý: tôn giáo giúp con người trở về với chính mình,

đối diện trước Thượng Đế, để sống thanh thoát nhẹ nhàng. Về phương diện nhân bản: tôn

giáo luôn mời gọi con người sống đúng cương vị làm người, tôn trọng chính mình, tương

quan với tha nhân và với Thượng Đế. Còn về mặt triết học: tôn giáo có thể trả lời những

khao khát của kiếp người, con người sống để làm gì, được sinh ra từ đâu, chết rồi đi

đâu… cùng muôn vàn những huyền nhiệm khác mà ngay cả khoa học cũng không trả lời

được. Vậy tôn giáo cũng là một khoa học – khoa học về sự thiện, tri thức về đức hạnh.

Page | 62

Kết Luận

Để đúc kết các chi tiết dệt nên con người Socrates, chúng ta ghi nhận Socrates vừa

là con người ở trong thế giới, vừa ở ngoài thế giới. Ông siêu vượt trên hết mọi người và

mọi sự bởi những đòi buộc luân lý cũng như thái độ nhập cuộc và dấn thân; nhưng đồng

thời cũng hòa lẫn với mọi người và mọi sự, bởi triết học thực thụ chỉ có thể có trong đời

thường mà thôi. Trong suốt thời Thượng Cổ, dung mạo Socrates đã được lưu giữ như một

khuôn mẫu điển hình của triết gia lý tưởng, triết gia mà cuộc sống và cái chết cũng chính

là sự nghiệp triết học. Vào đầu thể kỷ thứ II, văn sỹ Plutarque đã viết về Socrates như

sau:

“Đa số người đời hễ nói tới triết học là nghĩ ngay tới một bộ môn ở học đường,

tới những giáo trình bàn về những bản văn. Họ hoàn toàn bỏ quên một điều, đó

là một triết học không ngừng nghỉ, ngày ngày được phô diễn một cách thường

tình và bình dị (...) Socrates đã không yêu cầu sửa soạn ghế ngồi cho các thính

giả. Ông đã không ngồi trên ghế cao của giáo sư, ông đã không có thời khóa

biểu nhất định dành cho các cuộc tranh luận hoặc đi dạo với các môn sinh. Một

đôi khi ông đùa cợt với các môn sinh, có khi cùng uống rượu với họ cùng với họ

đi tham gia chiến trận. Cuối cùng ông đi vào nhà tù và uống độc dược: đó chính

là thời điểm và những hình thức sinh hoạt triết học của ông. Ông là người đầu

tiên chứng tỏ cho chúng ta rằng, bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu, trong tất cả

những gì xảy đến với chúng ta và tất cả những gì chúng ta làm, chính đời sống

thường nhật tạo điều kiện và tạo cơ hội để chúng ta có thể suy tư triết học”62.

62 X. Đậu Văn Hồng, Lịch Sử Triết Học Tây Phương Thời Thượng Cổ, 2004, tr. 50.

Page | 63

Chúng ta đang sống trong thế kỷ XXI, đã được chứng kiến biết bao thành công

của khoa học kỹ thuật. Nhìn chung, nhờ vào sự phát triển đó mà đời sống con người ngày

càng được nâng cao về cả chất và lượng. Sở dĩ có được những bước phát triển vượt bậc

đó là nhờ vào tài năng, vào tri thức và trí tuệ của con người. Con người không ngừng phát

minh ra vô số những thứ cần thiết để đáp ứng nhu cầu cho mình. Tuy nhiên, lòng tham

của con người hình như vô đáy, không gì có thể lấp đầy được. Dù sống trong một thế giới

văn minh, con người vẫn đối xử tệ bạc với nhau. Chiến tranh, hận thù, áp bức, chia rẽ, vô

cảm vẫn tồn tại quanh ta như những vết nứt không thể hàn gắn. Đó là kết quả của việc

con người chỉ tập trung học tập nâng cao tri thức mà quên đi những giá trị nhân bản khác;

vì một khi con người được rèn luyện về mặt tri thức mà không quan tâm đến việc tu

luyện đạo đức thì người ta dễ dàng sử dụng tri thức như là công cụ để thống trị kẻ khác.

Tự bản chất con người luôn khát khao tìm kiếm những điều mới lạ, nhằm tích lũy

cho mình kho tàng tri thức càng nhiều càng tốt. Điều đó không xấu, tuy nhiên dưới bất kỳ

xã hội nào, thời kỳ nào thì đức hạnh cũng luôn là yếu tố then chốt giúp con người lập

thân và xây dựng xã hội phồn vinh vững bền. Sở dĩ xã hội bị đảo lộn, quay cuồng và tan

vỡ ra thành từng mảng vì con người chỉ chú tâm truy tìm tri thức mà không quan tâm trau

dồi nhân đức cho chính mình. Nếu chúng ta biết cách cân bằng hài hòa giữa tri thức và

đức hạnh, biết nâng cao các giá trị đạo đức cho xứng tầm của nó thì mỗi người chúng ta

sẽ biết sống tốt cho mình, sống đẹp cho người; người người sống tốt với nhau sẽ đem đến

một xã hội phồn vinh bền vững.

Quay lại với Socrates, ông cho rằng “tri thức là đức hạnh”; để hiểu được vấn đề

thiết yếu phải quay ngược thời gian về thời Cổ Đại mới hiểu được hàm ý của nó. Mũi tên

này Socrates nhắm đến hai mục tiêu – trước hết ông nhắc nhở các nhà Vũ trụ luận hãy

tạm dừng những tranh luận trái ngược và vô bổ về vũ trụ bao la, về thần thánh. Hãy quay

về với chính bản thân mình, truy tìm chân lý trong sâu thẳm tâm hồn mình. Vì chỉ như

thế ta mới có cơ hội đánh thức chính mình nhằm thoát khỏi những u mê, những khát khao

trần tục cản trở chúng ta trên con đường truy tìm chân lý sự thiện. Thứ đến, ông nhắm

vào các nhà Ngụy biện vì đã biến tri thức thành công cụ sản xuất ra của cải vật chất cho

Page | 64

chính họ. Với họ tri thức chỉ mang tính tương đối tùy theo từng người và từng hoàn cảnh

xã hội khác nhau. Với Socrates, tri thức là đức hạnh, đức hạnh được đặt trên nền tảng

vững bền bất di bất dịch đó là linh hồn thuần túy mà mỗi người đều có. Vì lẽ đó, tri thức

không thể là công cụ để mua bán trục lợi như các nhà Ngụy biện vận dụng lúc bấy giờ.

Dĩ nhiên tri thức cũng dùng để phục vụ những nhu cầu thực tế của con người, nhưng

không thế lạm dụng nó một cách thái quá; vì như thế vô tình ta cao bằng tri thức với

những giá trị vật chất khác. Có lẽ vì lý do đó mà Socrates đã đồng hóa tri thức là đức

hạnh nhằm tách biệt tri thức ra khỏi quan niệm tầm thường của các nhà Ngụy biện.

Tuy nhiên, dù ý hướng của Socrates có tốt đến đâu cũng không thể che lấp được

nhược điểm trong phát biểu của ông “tri thức là đức hạnh”. Khuynh hướng chung của

con người thuộc mọi thời đại thường dùng lý trí để nhận diện và phân tích vấn đề. Như

thế, nếu dùng duy lý trí để mổ xẻ và phân tích vấn đề một cách tận căn không khoan

nhượng ta thấy Socrates đã quá táo bạo khi đưa ra luận điểm này. Ông đã quá lý tưởng

khi đồng hóa tri thức với đức hạnh. Con người biết điều tốt sẽ làm điều tốt. Điều này

không đúng, vì con người ngoài phần lý trí để phân biệt đúng sai còn có sự tham dự của

chính ý chí khi quyết định làm hay không làm một điều nào đó. Thông thường chúng ta

hay chiều theo những dục vọng tham, sân, si của mình để quyết định hành động. Như thế,

nếu được phép sửa lời của Socrates có lẽ ta nên viết – con người biết điều tốt sẽ làm điều

tốt nếu biết từ bỏ cái tôi của mình.

Vậy, dù vẫn còn nhiều hạn chế chưa giải quyết được nhưng tư tưởng và cũng là

ước muốn của Socrates “tri thức và nhân đức là một” vẫn là sứ điệp vang dội ngàn đời lý

tưởng khao khát chân lý của con người. Chân lý ấy cũng là khát vọng chung của bất kỳ

một tôn giáo nào bởi lẽ đây là nguồn mạch chính giữa “lý trí và đức tin”, giữa mạc khải

siêu nhiên và đời sống tự nhiên, “tri – hành” đạo. Sự phát triển khoa học kỹ thuật sẽ phủ

nhận hay làm tăng thêm vẻ đẹp của đức tin tôn giáo và của từng con người chúng ta. Điều

đó mỗi tri thức tôn giáo hay các ngành khoa học nhân văn phải trả lời cho từng thời đại.

Khi tiếp nhận tri thức khoa học, con người có thể chối từ giáo lý đức tin hay được tăng

thêm nghị lực để thực hành sống đạo. Chính vì thế tương quan giữa lý trí và đức tin phải

Page | 65

là một thống nhất hài hoà. Vậy con đường tìm kiếm, học thức đóng vai trò gì trong khoa

học tôn giáo? “Mất sự trợ lực của mạc khải, lý trí đã theo những con đường nhánh, liều

mình đánh mất đi cùng đích của cứu cánh. Thiếu lý trí, đức tin chỉ là những tình cảm ủy

mị, những liều thuốc ru ngủ. Một đức tin khi đối đầu với lý trí ốm yếu nó sẽ gặp nguy cơ

để trở thành thần thoại hay mê tín. Lý trí mà không có một đức tin trưởng thành thì

không thể sẵn sàng để theo đuổi điều mới lạ và căn tính của hữu thể”63.

Trong phần cuối này, người viết không thể đem đến cho quý vị những khám phá

nào lớn lao hơn những gì đã đề cập ở phần trên. Bởi lẽ đây là vấn đề lớn mà các bậc tiền

bối trong quá khứ cũng đã từng gặp nhiều khó khăn trong công việc kế thừa và triển khai

nó. Chính vì thế người viết chỉ khơi lại những tư tưởng chủ đạo, những vấn đề nổi cộm

để tất cả mọi người tiếp tục triển khai. Vì chân lý luôn sống động; nó không dừng lại ở

bất cứ ngòi bút nào, bài luận nào, ở không gian và thời gian nào nhất định trong dòng lịch

sử. Vì thế, đề tài này cũng mở ngỏ cho quý vị tiếp tục suy tư và khám phá chân lý cho

riêng mình. Tất nhiên chân lý ấy cần được cụ thể hóa vào chính đời sống của mỗi người

chúng ta. Tri thức là đức hạnh, tri – hành hợp nhất là ở chỗ đó.

63 X. Tông Huấn, Đức Tin và Lý Trí, số 48.